Khu trồng nấm hương vừa được nuôi cấy
Một ngày đầu tháng 10, từ thông tin ban đầu của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chúng tôi tìm về bản Ánh Ưng, xã Chiềng Ban, nơi được coi là một trong những vựa trồng cà phê với những nông dân người dân tộc Thái thu tiền tỷ mỗi năm từ làm nông nghiệp. Suốt chặng đường trên tuyến Quốc lộ 4G, hỏi thăm về cái tên Vì Văn Bình ai cũng đều biết. Có người dân khi được hỏi còn tận tình hỏi lại chúng tôi: “Bình nấm thì đúng rồi. Nhưng các anh hỏi đến cơ sở nào của Bình nấm. Vì hôm nay Bình đang ở cơ sở thứ 3 phía bên phải hướng đi sát với quốc lộ 4G”…
Sau chỉ dẫn của người dân, tìm đến cơ sở 3 của Vì Văn Bình, theo hướng tay chỉ của một bạn thanh niên đang làm việc tại đây. Từ xa, chúng tôi đã thấy dáng người khá nhỏ, gầy, khoác trên mình một chiếc áo lao động dài tay đang vừa làm vừa hướng dẫn khoảng 10 thanh niên căng lưới, căng dây thép để phủ lên khu nhà lưới rộng chừng 500 m2… Nghỉ tay lại phía tôi, Bình cười gượng gạo nói: “Em có nghe anh Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện gọi điện thoại sẽ có nhà báo tới phỏng vấn, viết bài. Ngại quá, đã làm được gì đâu anh”.
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng các cơ sở trồng nấm của mình, Vì Văn Bình bảo: "Em sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Nông lâm, trường Đại học Tây Bắc. Từ nhỏ em đã thích làm nông nghiệp. Vào đại học, em và một số bạn học bị cuốn hút bởi cây nấm. Càng tìm hiểu, càng bị cuốn hút và tập trung nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn và em bắt tay vào trồng nấm thử nghiệm từ khi còn là sinh viên".
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vì Văn Bình quyết tâm theo đuổi mục tiêu làm giàu từ nông nghiệp với mô hình trồng nấm sạch, an toàn trên chính quê hương của mình. Cũng trong thời điểm này để trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật trồng nấm, Vì Văn Bình tiếp tục theo học Thạc sĩ chuyên ngành khoa cây trồng tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Khu trồng nấm hương của Vì Văn Bình
Sau khi cầm tấm bằng Thạc sĩ trong tay trở về gia đình tại bản Áng, xã Chiềng Ban, đến tháng 8/2010, Bình đã cùng nhóm 5 người bạn mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm từ phụ phẩm nông nghiệp với số tiền đầu tư ban đầu là 15 triệu đồng/thành viên. Sau gần 1 năm hoạt động, nhận thấy đây là mô hình có thể tạo được việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến tháng 6/2011, Bình và nhóm bạn quyết định hoàn tất các thủ tục để thành lập Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp Sơn La do mình làm giám đốc. Tuy nhiên, cũng do còn thiếu kinh nghiệm, sau năm đầu thành công thì từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 do mở rộng quy mô nên mô hình trồng nấm của Vì Văn Bình bị bệnh mốc xanh “nấm ăn nấm” trên diện rộng và sau đó là thất bại.
Chính từ sự thất bại trên đã khiến cho 3/6 thành viên ban đầu nao núng, mất niềm tin vào cây nấm. Năm 2013 đến năm 2015 là giai đoạn khủng hoảng nhất đối với mô hình trồng nấm sạch bằng phụ phẩm nông nghiệp của Vì Văn Bình. Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Vì Văn Bình và 2 thành viên còn lại đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu và đầu tư thêm về kỹ thuật trồng nấm sạch bằng phụ phẩm nông nghiệp. Song song với đó, việc tìm thị trường đầu ra cho nấm cũng được các Bình và nhóm bạn đặc biệt chú trọng.
Đưa chúng tôi vào thăm khu trồng nấm, Vì Văn Bình, bảo: Dịp này vừa hái xong nên không còn nhiều nấm. Toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị… cho trồng nấm đã đầu tư gần 4 tỷ đồng. Hiện tại, chúng em đã có 3 cơ sở với quy mô trên 3 ha diện tích trồng nấm sò, nấm hương và linh chi. Trong đó, chủ yếu tập trung trồng nấm sò và nấm hương, thu khoảng 6 tạ/ngày. Nấm linh chi một năm một vụ được khoảng 100kg khô, chủ yếu để làm sản phẩm trưng bày và quà biếu người thân trong gia đình và bạn. Cùng với đó, Bình còn gây dựng được 2 gian hàng chuyên cung cấp nấm, nông sản sạch tại 2 chợ lớn tại trung tâm thành phố Sơn La.
Chỉ tay về khu trồng rau màu theo hướng VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp 26-3 cũng do mình làm giám đốc, Vì Văn Bình bảo: “Ngoài cung cấp nấm, bên em còn cung cấp rau sạch cho các trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn tỉnh và nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ và các siêu thị lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, sản phẩm nấm hiện tại đang cung không đủ cầu”.
Vì Văn Bình đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương
Với mô hình trồng nấm sạch từ phụ phẩm nông nghiệp có doanh thu trung bình gần 5 tỷ đồng/năm hay trồng rau sạch theo hướng VietGAP với thu nhập trên 200 triệu đồng/tháng, Vì Văn Bình còn tạo thu nhập ổn định cho 20 lao động thường xuyên là người địa phương từ 4,8 triệu đồng đến 6,8 triệu đồng/tháng. Đồng thời, còn tạo việc làm theo mùa vụ cho gần 20 lao động cũng là thanh niên người dân tộc Thái tại địa phương.
Hiện tại, ngoài việc mở rộng quy mô và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho nông dân tại địa bàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay, Vì Văn Bình cũng đang hướng tới mục tiêu cho ra đời nhiều sản phẩm nấm sấy khô, nấm ăn liền… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần tạo thu nhập cho bản thân và công ăn việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc tại địa bàn.
Để nông nghiệp các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Sơn La phát triển bền vững, theo ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đề xuất những cơ chế chính sách để xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với điều kiện của các huyện miền núi, trong đó có Mai Sơn. Đặc biệt cần phải quan tâm, tiếp tục có các giải pháp để hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quốc Tuấn
Nguồn tin: https://baodantoc.vn/chang-trai-nguoi-thai-thu-tien-ty-tu-trong-nam-bang-phu-pham-nong-nghiep-1665472177705.htm