Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP (Dự thảo Nghị định).
Khẩn trương chỉnh lý để trình Chính phủ ban hành
Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với dự thảo Nghị định, như lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đăng tải dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Trang Thông tin về tài sản công, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp...
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện việc lấy ý kiến Thành viên Chính phủ về hồ sơ dự thảo Nghị định. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Tuy nhiên, ngày 18/10/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 678/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngày 28/10/2024, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra số 2575/BC-UBTCNS15 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung này. Dự kiến dự án Luật sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo dự thảo Luật đã trình Quốc hội, đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công có điều chỉnh một số quy định về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, như quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại Điều 109. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại Điều 110.
Để đảm bảo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật sẽ được xây dựng và ban hành phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung, trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các tổ chức, cá nhân như Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và định hướng quy định về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhận được Công văn số 1182/2024/ENV ngày 15/8/2024 của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) góp ý đối với một số nội dung của dự thảo Nghị định về trách nhiệm của đơn vị chủ trì quản lý tài sản, về bảo quản tài sản, về hình thức xử lý tài sản và tổ chức thực hiện phương án xử lý tài sản. Bộ Tài chính đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung tại dự thảo Nghị định so với dự thảo đã trình Chính phủ.
Theo đó, chỉnh lý quy định về phân cấp, phân quyền trong việc xác lập quyền sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại các Điều10, 20, 39, 43 và 47 dự thảo Nghị định theo hướng, đối với thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân: Quy định cụ thể cơ quan, người thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản: Quy định cụ thể tại dự thảo đối với các trường hợp đã rõ về thẩm quyền và có thể áp dụng thống nhất, các trường hợp khác thì thực hiện dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, chỉnh lý quy định về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản và tổ chức thực hiện phương án xử lý tài sản tương ứng tại các Điều 12, 13, 21, 22, 41, 44 và 49 dự thảo Nghị định cho phù hợp với thẩm quyền nêu trên.
Chỉnh lý một số nội dung theo ý kiến của Thành viên Chính phủ. Quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh theo hướng loại khỏi phạm vi điều chỉnh đối với tài sản đã được điều chỉnh tại các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan (khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý
Thứ nhất, tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thuộc trường hợp phải hạch toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Chương V đã quy định về hoạt động quyên góp, tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ.
Thứ ba, đối với hoạt động văn hóa, theo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 3 Điều 58, khoản 1 Điều 61 Luật Di sản văn hóa thì nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Việc tiếp nhận các khoản tài trợ, đóng góp (bằng tiền, hiện vật) thường gắn với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi Điều 34 Luật Di sản văn hóa) quy định “Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích”; “Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này”.
Thứ tư, về xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho nhà nước, theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, việc xử lý theo các bước gồm: đại diện hợp pháp của cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả động vật, thực vật cho nhà nước gửi thông báo tới cơ quan nhà nước có liên quan; xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả theo các hình thức thả, trồng lại vào môi trường tự nhiên; Chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành; Tiêu hủy trong trường hợp động vật, thực vật bị bệnh hoặc không thực hiện được các biện pháp nêu trên; cơ quan nhà nước tại điểm (thứ nhất) báo cáo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và thông báo cho chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả về kết quả xử lý.
Trường hợp tài sản là vật tiêu hao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm quản lý, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không phải làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản (khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Xác định giá bán tài sản, giá trị tài sản để giao, điều chuyển quy định tại các Điều từ 91 đến 100 dự thảo Nghị định. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản là ngoại tệ (Điều 8, Điều 13, Điều 15 dự thảo Nghị định).
Đối với những nội dung khác, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên về một số nội dung, như đối với vật chứng của vụ án mà có Quyết định xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật mà không phải tịch thu thì việc quản lý, xử lý vật chứng đó được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan, không thực hiện theo quy định tại Nghị định (khoản 11 Điều 4 dự thảo Nghị định). Bổ sung trường hợp tài sản được xử lý theo hình thức “tiêu hủy” gồm “thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết” (điểm đ khoản 5 Điều 8 dự thảo Nghị định).
Về nguyên tắc xác lập, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Điều 4 dự thảo Nghị định): Đưa một số nguyên tắc về việc xử lý tài sản bị tịch thu và tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam (đang quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị định) để bổ sung vào Điều 4 về nguyên tắc xác lập, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi trong quá trình áp dụng Nghị định.
Về thủ tục thanh toán chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản cho tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm (Điều 108, Điều 109 dự thảo Nghị định): Hoàn thiện theo hướng cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản có văn bản đề nghị chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản cho tổ chức, cá nhân này gửi đến cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản…