Chính phủ đã đề ra các giải pháp tối ưu để phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Bình, Chính phủ đã đề ra các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 - Ảnh: VGP/Thế Phong

Nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế

PGS.TS. Bùi Quang Bình nhận định, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đến nay, chúng ta chấp nhận sống chung với dịch dựa vào độ phủ vaccine nhanh, đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Tỉ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và tử vong giảm sâu và gần như tạo ra cơ chế miễn dịch cộng đồng. Đây chính là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên tiếp Nghị quyết 01, Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 với các chủ trương, nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không chủ quan trong chống dịch, đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine COVID-19, tập trung điều trị cho các bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao; củng cố lại hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương, chấn chỉnh công tác quản lý y tế nhằm nâng cao khả năng phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đây là một tầm nhìn dài hạn của Chính phủ với cơ chế chính sách trong quản lý y tế tốt hơn, chăm lo sức khỏe cho nhân dân tốt hơn.

Cùng với đó, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp để kích thích nền kinh tế. Trong đó gói kích cầu 350.000 tỷ đồng đã tạo ra động lực thúc đẩy thị trường phát triển, kích cầu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là tuyến cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Giải pháp này vừa có tầm nhìn tương lai của đất nước, vừa có tác động trong ngắn hạn kích thích nền kinh tế phát triển mạnh hơn. Đây là chủ trương hợp lý, các bộ, ngành, địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư và triển khai có hiệu quả cao nhất các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Trong các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất, giải quyết vấn đề lao động sau Tết, chăm sóc cho người lao động… tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trở lại thị trường. Đây là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Một điểm quan trọng mà Chính phủ còn quyết liệt thực hiện  là cải cách thể chế. Ngay sau tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 01 đôn đốc các nhiệm vụ sau Tết, không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Điều đó thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, gỡ khó để thực hiện các dự án đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Cũng theo ông Bùi Quang Bình, Chính phủ đã đề ra các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, các bộ, ngành, địa phương trước hết cần quyết tâm cao, từ đó đề ra các cơ chế, quyết sách tập trung cho nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhằm tạo ra xung lực.

"Tết vừa rồi, sau chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu tất cả địa phương không tạo ra 'rào cản' y tế, lập tức bùng nổ thị trường du lịch. Điều đó chứng tỏ nhu cầu đi du lịch rất lớn và doanh nghiệp cũng muốn ổn định để mở cửa sản xuất kinh doanh. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần năng động, quyết liệt, mạnh dạn mở cửa, nhất là đối với lĩnh vực du lịch là thế mạnh của các tỉnh miền Trung", ông Bình khuyến nghị.

Dẫn chứng một thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám thuê lao động dài hạn vì lo địa phương thay đổi cấp độ dịch, PGS.TS. Bùi Quang Bình cho rằng, các địa phương cần thể hiện rõ ràng quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được tổ chức tốt nhất, thích ứng với điều kiện mới, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

"Lượng khách du lịch đến các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm mở cửa phục hồi thị trường du lịch của mỗi địa phương. Du lịch phục hồi thì tạo ra công ăn việc làm, thu nhập xã hội sẽ tăng và tất cả mọi thứ sẽ quay trở lại. Như vậy, với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đề ra và tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, tôi cho rằng năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ đạt chỉ tiêu đề ra mà còn cao hơn là hoàn toàn khả thi", ông Bùi Quang Bình tin tưởng.

Thế Phong


Theo https://baochinhphu.vn/chinh-phu-da-de-ra-cac-giai-phap-toi-uu-de-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-102220217174643028.htm