Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Hình ảnh: Chính sách tài khóa kịp thời “thẩm thấu” thúc đẩy kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh số 1
PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam trong hai quý đầu năm 2022 trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19?
 
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được kết quả tăng trưởng khả quan.
 
Cụ thể, quý I/2022, GDP của nước ta tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021. Tiếp đà tăng, GDP quý II/2022 tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Đà tăng trưởng của hai quý đầu năm đã cộng hưởng “đẩy” GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Đây là kết quả tăng trưởng ấn tượng, cho thấy những nỗ lực trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch của Đảng, Chính phủ.
 
Kết quả tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là cơ sở để đưa ra dự báo tích cực về tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả năm ở mức từ 7% - 7,5%, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022.
 
Phóng viên: Kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm cho thấy, bên cạnh hiệu ứng từ các yếu tố cộng hưởng, thì chính sách tài khóa được coi là chính sách tiên phong trong thúc đẩy, phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?
 
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhưng do cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã tác động tiêu cực đến giá lương thực toàn cầu, kéo theo lạm phát tại một số nước lớn có xu hướng tăng cao. Đáng chú ý, tình hình lạm phát thế giới cũng tác động đến lạm phát của Việt Nam.
 
Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ, cùng với triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biễn thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp về tài khóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi và phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Có thể thấy, chính sách tài khóa được cho là chính sách tiên phong hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Sở dĩ đưa ra nhận định này là vì chính sách tài khóa đã “thẩm thấu” hỗ trợ hiệu quả các đối tượng, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.  

Cụ thể, trong tổng thể gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng, chúng ta dành khoảng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực y tế để phục vụ cho việc mua vắc xin và trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ tiền miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 64.000 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít…

Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.

Các chính sách trên đã góp phần giúp nền kinh tế nước ta đạt mục tiêu kép, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giúp kiểm soát tốt lạm phát ở mức thấp nhất so với các nước trên thế giới (bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy, chính sách tài khóa đã đi đúng hướng và mang lại hiệu quả cao khi kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, quay trở lại hoạt động nhiều hơn. Đó là thể hiện nỗ lực chung của Chính phủ và ngành Tài chính trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, ngành Tài chính cũng đã tập trung thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước. Tuy trong những tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, ngành Tài chính đã đạt kết quả thu ngân sách khả quan.

7 tháng năm 2022, thu ngân sách ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tất cả các khoản thu như thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khả quan. Cụ thể, thu nội địa đạt 74% dự toán, tăng 15%; thu từ dầu thô đạt 152,5% dự toán, tăng 91,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 90,3% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 trong thời gian tới, thì cần tập trung triển khai những nội dung gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 trong thời gian tới, tôi cho rằng, không chỉ ngành Tài chính mà các bộ, ngành, các địa phương phải tập trung đẩy nhanh triển khai gói tài khóa, tiền tệ đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Đối với ngành Tài chính, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách thì cần chú trọng công tác thu ngân sách để đảm bảo cân đối tài chính - ngân sách trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gói hỗ trợ về lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công và có những động thái mạnh mẽ hơn theo hướng ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện dự án tốt. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được các “điểm nghẽn” trong đầu tư về hạ tầng về giao thông, hạ tầng về văn hóa - xã hội và hạ tầng về công nghệ thông tin.

Trong đó, muốn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát thể chế liên quan đến đầu tư công và trong quá trình triển khai vướng đến đâu báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, ngành để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có phương án xử lý phù hợp với thực tiễn. Nên có giải pháp khẩn cấp để giải quyết các “điểm nghẽn” trong đầu tư công.

Cùng với đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành được phân công quản lý dự án đầu tư; phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong giải phóng mặt bằng, cũng như có phương án đền bù tái định cư để giúp cho người dân có chỗ ở mới tốt hơn.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!