Để hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống COVID-19 cũng như việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có dịp trao đổi với bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm về vấn đề này.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm tháng 9/2021. Ảnh: Gia Huy |
Xin bà cho biết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận thời gian qua và hiệu quả công tác này trên địa bàn quận?
Bà Lê Thị Thu Hương: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm đã vào cuộc tích cực, quyết liệt trong các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Chúng tôi sẵn sàng giải pháp “3 trước”, bao gồm: Đánh giá, nhận định trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước. Cùng với đó là rà soát kịch bản phòng, chống dịch theo các cấp độ, sẵn sàng ứng phó ở các cấp độ cao nhất gắn với từng địa bàn, tổ dân phố,… Xây dựng các tình huống cách ly y tế tùy tình hình thực tế của các phòng, các đơn vị, khu cụm công nghiệp, bảo đảm “4 tại chỗ”.
Quận cũng rà soát nắm chắc tình hình cung ứng lương thực, sản xuất, kinh doanh để có phương án vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, sản xuất, kinh doanh… phù hợp với điều kiện thực tế.
Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị tốt điểm cách ly tập trung. Qua theo dõi sát diễn biến dịch bệnh hằng ngày, giám sát phát hiện sớm ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế, khi xuất hiện ca mắc, quận đã chỉ đạo khẩn trương khoanh vùng, truy vết và xác định nhanh nhất trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, quận đã triển khai tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Các đơn vị chuyên môn chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Toàn quận đã tiêm 251.416 mũi vaccine, trong đó 46.262 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Thực hiện Công điện số 20/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quận đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để bảo vệ vững chắc vùng xanh. Hiện quận Bắc Từ Liêm tiếp tục duy trì 437 mô hình tự quản “vùng xanh” để quản lý, không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào, không để lây nhiễm chéo.
Tại “vùng xanh”, chúng tôi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi phường, tổ dân phố, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K…
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: VGP/Kim Liên |
Thưa bà, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, trên địa bàn Thành phố còn xuất hiện những ca cộng đồng. Vậy quận sẽ có những biện pháp nào để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn?
Bà Lê Thị Thu Hương: Quận Bắc Từ Liêm tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ vững chắc “vùng xanh”; xử lý triệt để các trường hợp liên quan, cập nhật tình hình dịch bệnh, sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp .
Thực hiện Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, quận đã yêu cầu UBND 13 phường triển khai rà soát và tổ chức ký cam kết về phòng, chống dịch tới các cửa hàng được phép kinh doanh. Chúng tôi cũng thống nhất chỉ gỡ bỏ các chốt kiểm soát trên các trục đường chính và giữ lại một số chốt “vùng xanh”. Hiện nay, các chốt “vùng xanh” đang phục vụ đắc lực cho chính quyền trong việc nắm thông tin di biến động của người dân và bảo đảm an ninh trật tự.
Đặc biệt, quận sẽ tiếp tục phát huy nâng cao vai trò trách nhiệm của Tổ COVID cộng đồng, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân trên địa bàn. Chủ động, khẩn trương quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế phù hợp với tình hình diễn biến, nguy cơ dịch bệnh; bảo đảm kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất không để dịch bệnh lây lan trong khu vực; truy vết, cách ly, xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất; duy trì khu cách ly tập trung hoạt động hiệu quả, an toàn;…
Quận cũng sẽ tổ chức tiêm chủng tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả, phấn đấu sớm hoàn thành tiêm chủng bao phủ mũi 1 với 100% người trên 18 tuổi; ưu tiên tiêm đúng thời điểm cho các đối tượng tiêm mũi 2, đồng thời triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng tiến tới xanh hoá toàn bộ quận.
Có thể thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng đã và đang được kiểm soát với nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể khẳng định đã hết các ca mắc trong cộng đồng nên mỗi người dân cần tự ý thức, cảnh giác cao độ với dịch bệnh.
Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân biết, tin tưởng, ủng hộ.
Thưa bà, cùng với công tác chống dịch thì những giải pháp đột phá trong chỉ đạo điều hành để khôi phục phát triển kinh tế của quận trong thời gian tới là gì?
Bà Lê Thị Thu Hương: Ngay khi được trở về trạng thái bình thường mới, quận Bắc Từ Liêm khẩn trương phân vùng, xây dựng phương án khôi phục sản xuất cho từng địa bàn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quận đang từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Để bảo đảm hoạt động an toàn, các doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch cụ thể.
Với những doanh nghiệp có nguy cơ cao, quận yêu cầu xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn, nhất là doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại tỉnh khác đến. Một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” dù gặp khó khăn nhưng là biện pháp cần thiết trong thời điểm này để duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.
Nhờ sự nỗ lực vào cuộc nhanh chóng, đồng thời giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đã bảo đảm thực hiện nghiêm phương án đã được phê duyệt ở những "vùng xanh", bảo đảm chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn, giữ ổn định đời sống người lao động, góp phần trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Mô hình chung cư xanh tránh dịch COVID-19 xâm nhập, bảo vệ an toàn cho người dân tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh VGP |
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến nhiều người dân mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm an sinh xã hội, “không ai bị bỏ lại phía sau”, quận đã vận dụng những giải pháp như thế nào? Đến nay công tác đó được triển khai ra sao, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Hương: Để bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn, quận đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, thành lập các tổ thẩm định để triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở. Nhờ vậy, người dân đã nắm bắt được các chính sách nhân văn của Nhà nước và nhận được hỗ trợ kịp thời.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 4/10, quận đã hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 30.400 lao động với số tiền gần 2,6 tỷ đồng; chi trả hơn 3,6 tỷ đồng cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc; chi hơn 2,9 tỷ đồng cho người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 15 của Thường trực HĐND Thành phố, quận đã hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó, hoàn thành việc chi kinh phí hỗ trợ mức 1 triệu đồng tới hơn 1.370 người có công, gần 2.850 đối tượng bảo trợ xã hội và 473 hộ cận nghèo với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng;…
Cố gắng cao nhất với phương châm “không để bất cứ ai trên địa bàn quận gặp khó khăn do dịch bệnh mà không được hỗ trợ”, quận đã giao nhiệm vụ cho Phòng LĐTB&XH, Ban chỉ huy Công an quận, UBND các phường tiếp tục quan tâm, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị, cá nhân để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình, người dân, đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc…
Có thể thấy, việc thực hiện tốt chính sách an sinh đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng, sự ủng hộ của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch tại quận Bắc Từ Liêm.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Kim Liên (thực hiện)