Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội thảo triển lãm chủ đề "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt", trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do NHNN và báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội.
Giao dịch kênh số giúp giảm chi phí
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay: Nhiều ngân hàng có giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. Chuyển đổi số ngành ngân hàng (NH) có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…", ông Dũng nhận định.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, khẳng định NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân…
Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số với lĩnh vực thuế, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một số nội dung về triển khai dịch vụ thuế điện tử gồm khai nộp thuế, hoàn thuế và các chương trình hóa đơn điện tử hiện nay đã hỗ trợ trực tiếp cho việc không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.
Còn bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước chia sẻ, mục tiêu quan trọng của Kho bạc Nhà nước là hướng tới kho bạc không tiền mặt. Hiện nay, giao dịch thu chi qua hệ thống kho bạc mỗi năm khoảng 3,4 triệu tỉ đồng. Với việc phối hợp với các NH và phát triển hạ tầng thanh toán nên hiện hơn 99% giá trị giao dịch thu và chi đều không dùng tiền mặt, qua đó giúp tạo thuận lợi cho người dân.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam - Lào cho biết, những năm gần đây tỉ lệ người dân sử dụng cùng một lúc rất nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… rất cao, trung bình khoảng 93%, trong đó VN đạt tỉ lệ 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%. Riêng Việt Nam tỉ lệ tiếp cận Internet, smartphone rất cao là lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng chuyển đổi sang không dùng tiền mặt.
Mở rộng độ phủ sóng, khai thác hiệu quả lợi ích chuyển đổi số
Dưới góc độ đơn vị trung gian thanh toán, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NAPAS phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa. "Điện thoại thông minh là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản ngân hàng, tài khoản mobile money", ông Nguyễn Đăng Hùng nói.
Từ năm 2020, việc đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn NH và tránh xa tín dụng đen.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết kỳ vọng vào hội thảo Ngày không tiền mặt trong năm tới sẽ chỉ có một điện thoại và dùng thẻ ảo, không cần thẻ vật lý.
Theo đại diện HDBank, thực tế tại HDBank, chuyển đổi số đã được áp dụng trong nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, dịch vụ công. Tuy vậy, với vùng nông thôn, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn.
Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MBBank cho hay trong bối cảnh không bình thường" khi COVID-19 diễn ra, MB nhìn thấy yêu cầu tăng trải nghiệm online rất nhanh, khách hàng không muốn đến NH mà muốn có thêm các trải nghiệm.
Môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành NH đặt ra yêu cầu MB phải chuyển đổi số và tăng tốc mạnh mẽ. Năm 2021, tại MB đã có trên 93% giao dịch qua chuyển đổi số.
Đại diện MBBank thẳng thắn nêu bài toán khó với ngân hàng, đó là việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô không nhỏ, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là không đơn giản", ông Lưu Trung Thái nói.
Lãnh đạo ngân hàng này xác định "MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án".
Bà Winnie Wong - Chủ tịch Amcham Việt Nam, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard chia sẻ, khi phân tích thói quen giao dịch tại khu vực Đông Nam Á, Mastercard thấy rằng từ trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã phát triển mạnh do đặc điểm dân số trẻ, am hiểu và yêu thích công nghệ.
Tuy nhiên, một điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.
"Với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, Mastercard có thể trợ giúp đối tác nâng cao an ninh để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Việc thanh toán không chỉ nằm trong tầm quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà còn có sự tham gia của nhiều bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông", bà Winnie Wong nói.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: ngành ngân hàng đang tích cực nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
"Ngành ngân hàng sẽ tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Anh Minh