Khởi nghiệp với “quốc bảo”
Chúng tôi có dịp gặp chị Hồ Thị Mười, người Ca Dong, trong một phiên chợ sâm mới đây được tổ chức tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Chị Mười là người đi tiên phong trong việc đóng gói các sản phẩm dược liệu của vùng cao Nam Trà My như: Sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, chè dây, nấm lim xanh, sâm nam... đưa ra thị trường.
Năm 2019, mô hình kinh tế của chị, được công nhận là dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Sau đó, chị có 2 sản phẩm là chè dây túi lọc và trà giảo cổ lam được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Mười chia sẻ, thời gian đầu gặp khó khăn vì ít người biết đến sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm, nhiều người cũng biết đến và tin dùng sản phẩm. Có những hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại diễn ra ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… nhưng chị vẫn tham gia để giới thiệu sản phẩm của mình.
"Nhiều chuyến đi dù bán được một vài sản phẩm, không đủ bù chi phí, nhưng cái được là khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn. Từ đó, thị trường cũng mở ra. Hiện nay, tôi cũng đang liên kết với nhiều hộ dân địa phương để mở rộng vùng dược liệu, mở ra cơ hội cho nhiều người cùng phát triển”, chị Mười bộc bạch.
Trong khi đó, với mong muốn những người có thu nhập trung bình vẫn sử dụng được những sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe, chị Trần Thị Hải Thủy (SN 1992, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) đã bỏ không ít thời gian để mày mò, nghiên cứu để đưa ra thị trường sản phẩm trà túi lọc được chế từ “quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Công việc chính là dạy học, nhưng chị Thuỷ luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Nhận thấy sâm Ngọc Linh không chỉ có củ, mà lá sâm cũng có nhiều hàm lượng tinh chất cực kỳ tốt cho sức khỏe nên chị tìm cách chế biến những sản phẩm từ lá sâm. Nghĩ là làm, chị Thuỷ bắt đầu tìm hiểu thị trường ở nhiều nơi; và nhận thấy phần lớn khách hàng ưa chuộng một túi trà nhỏ chế từ lá sâm với giá cả phải chăng. Sau khi nghiên cứu kỹ, chị Thuỷ bắt tay vào việc thu mua lá sâm và chế biến.
“Lá sâm sau khi được thu mua sẽ đem đi rửa sạch, sau đó sấy lạnh và nghiền ra thành trà. Các công đoạn này được mình liên kết với một hợp tác xã uy tín có máy móc hiện đại, đảm bảo vệ sinh, cũng như chất lượng”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng theo chị Thuỷ, không phải ai cũng có thể bỏ ra khoảng 8 - 10 triệu đồng để mua một kg lá sâm về sử dụng, nhưng nếu sử dụng trà dạng túi lọc, thì giá cả chỉ chưa đến 500.000 đồng cho 1 túi, gồm 20 gói nhỏ mà chất lượng vẫn không thay đổi. Với những ưu điểm về chất lượng và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, chị đã thành công bước đầu.
“Cuối năm 2023, sản phẩm trà túi lọc sâm Ngọc Linh của tôi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm của trà túi lọc lá sâm có đầu ra ổn định ở các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh Tây Nguyên”, chị Thuỷ cho biết thêm.
Đến những mô hình nông nghiệp mới
Với mong muốn khởi nghiệp từ quả chanh không hạt, cô gái người Giẻ Triêng Hồ Thùy Thị Linh (SN 1989, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) đã nghiên cứu, chế biến sâu và cho ra đời sản phẩm cao chanh đường phèn, bước đầu được thị trường đón nhận.
Chị Linh cho hay: Động lực để chị tự tin khởi nghiệp, là giống chanh không hạt chất lượng tốt, bà con địa phương trồng nhiều. Chị đã mua chanh về ngâm qua muối để làm sạch bụi và giảm bớt độ đắng, sau đó cắt lát ngâm với đường phèn kết tinh và chưng trong 12 tiếng trong nồi đất tử sa ở nhiệt độ nhất định, không có phụ gia khác nên rất đảm bảo cho sức khỏe.
Sau hơn 1 năm đưa vào sản xuất, sản phẩm cao chanh đường phèn của chị Linh được chứng nhận OCOP 3 sao, và đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mỗi năm, chị xuất bán khoảng 2.000-3.000 lọ chanh đường phèn, mang về thu nhập hơn 200 triệu đồng. Mô hình này của chị Linh không những mang lại giá trị kinh tế cao cho bản thân, mà còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra của cây chanh do người dân địa phương trồng chanh.
Trong khi đó, vườn cây ăn trái với diện tích hơn 1ha của anh Huỳnh Châu (SN 1993, xã Trà Đông) được xem là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công ở huyện miền núi Bắc Trà My. Trước đây, anh Châu làm nghề xây dựng, thường xuyên đi đây đó, công việc bấp bênh. Nghĩ đến mảnh vườn của cha bỏ không, anh quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất này. Sau thời gian tìm tòi, anh quyết định trồng cây thanh trà, một giống cây trồng cho năng suất cao phổ biến ở huyện Tiên Phước.
Thời gian đầu, do không nắm về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, nên vườn cây của anh bị còi cọc. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh tiếp tục tìm hiểu thêm kiến thức từ những người quen, qua sách, báo và internet. Sau hơn 4 năm chăm sóc, anh Châu vui mừng khi thấy thanh trà đã cho quả mùa đầu tiên.
“Sự cố gắng của mình cuối cùng cũng được đền đáp, sự lựa chọn phát triển kinh tế vườn của mình là đúng. Kỳ vọng rằng, cây sẽ cho quả ngon ngọt như ở vùng Tiên Phước, giá thành cao sẽ là động lực để mình phát triển tiếp khu vườn này”, anh Châu cho hay.
Bên cạnh trồng thanh trà, anh Châu còn trồng xen kẽ một số loại cây ăn trái khác để tăng thêm thu nhập. Đến nay, vườn nhà anh có 80 cây thanh trà, 70 cây cam, gần 100 cây măng cụt, 40 cây lòn bon thái. Ngoài việc trồng cây ăn quả, anh còn đầu tư hơn 250 triệu đồng vào nuôi chồn hương. Đến nay, trại chồn hương của anh Châu lúc nào cũng có khoảng 50- 60 con, mỗi năm xuất bán khoảng 20 con. Hiện giá thành chồn hương giống khoảng 8-10 triệu đồng/cặp, chồn hương thịt có giá khoảng 2 triệu đồng/kg.
Thep ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam phát triển rộng khắp từ rừng xuống biển. Những dự án khởi nghiệp ở vùng cao có sự đột phá về số lượng và chất lượng khi phát huy thế mạnh về tài nguyên bản địa từ nông sản và dược liệu.
“Nhiều mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ ở vùng cao rất hay, rất chỉn chu từ cách làm cho đến mẫu mã, đến cách tiếp cận thị trường. Chính những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đã tạo ra những mô hình khởi nghiệp hay, không chỉ làm giàu cho chính họ, mà còn lan tỏa, tạo đà cho sự phát triển của người dân ở khu vực họ khởi nghiệp sản xuất. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, nhiều mô hình khởi nghiệp mới trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện vùng cao sẽ đa dạng hơn”, ông Sinh cho hay.