Thế giới xem thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng.
Các cơ hội chính cho phát triển kinh tế biển xanh
Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, mặc dù có nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra nhưng cũng có những cơ hội rõ ràng cho sự phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam hiện nay.
Một là, xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới: Thế giới xem thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh (Green economy) nói chung và kinh tế biển xanh (Blue economy) nói riêng từ đó Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... được thường xuyên cập nhật, đã cung cấp cho người dân những hiểu biết nhất định và cơ bản về xu hướng phát triển kinh tế biển xanh đang diễn ra trên thế giới.
Hai là, khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả.
Ba là, định hướng phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam. Nắm bắt xu hướng và các cơ hội phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới, trên cơ sở nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, Việt Nam đã đề ra Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), trong đó khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.
Bản Nghị quyết cũng nêu rõ các mục tiêu phát triển đến năm 2030 trên các lĩnh vực như kinh tế biển, về xã hội, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế biển xanh là một định hướng quan trọng trong số các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để hướng đến mục tiêu cao hơn, như mục cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội này để vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo vệ được tài nguyên biển cho sự phát triển của các thế hệ mai sau.
Thanh Hà
Nguồn tin: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-phat-trien-kinh-te-bien-xanh-tai-viet-nam-350091.html