Vướng nhiều rào cản

Với vai trò dẫn dắt thị trường, sức khỏe và hiệu quả hoạt động của các DN lớn là chỉ số quan trọng để đánh giá nền kinh tế tư nhân và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh chúng ta nói đến sự phát triển và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt với nhóm những DN dẫn đầu cần sự phát triển lớn mạnh thì chính sách luôn là vấn đề quan trọng.
Hình ảnh: Còn nhiều tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh gây khó cho doanh nghiệp lớn số 1
DN lớn đối mặt với nhiều rào cản về chính sách.
VCCI đã tiến hành điều tra DN thường niên từ năm 2005 đến nay, trong đó quét toàn bộ 63 tỉnh, thành cả nước với số lượng phản hồi của 10.000 DN trong 1 năm. Trong đó, khoảng 97% là DN nhỏ và vừa.

"Tuy nhiên, những vấn đề mà các DN nhỏ và vừa gặp phải hiện nay thì đối với các DN lớn cũng không hề kém, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thực thi chính sách. Đâu đó trên một số khía cạnh, thậm chí những vấn đề các DN lớn gặp phải còn lớn hơn rất nhiều so với các DN nhỏ và vừa", ông Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Những vấn đề DN lớn thường gặp phải là sự bất ổn chính sách của Việt Nam, muốn tiếp cận các chính sách, các nguồn lực phải làm như thế nào? Những vấn đề này không dễ để có thể giải quyết "1 sớm 1 chiều". Với những DN lớn khi triển khai các dự án đầu tư có quy mô chưa lớn nhưng thường va phải những câu chuyện về mặt thủ tục, chính sách ở địa phương.

Từ góc nhìn DN, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm (Hồ Gươm) nói rõ hơn về vướng mắc của DN. Hồ Gươm nằm trong top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) công bố ngày 10/8 vừa qua.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trong quá trình đầu tư nhiều vào các tỉnh, thành miền Bắc, DN đối mặt với một số vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy định liên quan về đất đai, thuế quan.

Đặc biệt về thủ tục hành chính, DN chủ yếu vướng mắc và khó khăn khi các loại văn bản, giấy tờ không thống nhất, mỗi địa phương có một thủ tục yêu cầu khác nhau, rườm rà. Chưa có 1 quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư, cho đến khi vận hành dự án để công khai và minh bạch.

Thời gian hoàn thành các thủ tục đất đai còn dài, chưa kể trong quá trình thực hiện còn có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, nội dung quản lý và cơ quan thực hiện, xuất hiện nhiều thủ tục con.
Hình ảnh: Còn nhiều tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh gây khó cho doanh nghiệp lớn số 2
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, là DN lớn nhưng Hồ Gươm gặp không ít khó khăn.
"Các DN tư nhân hiện không lớn được do môi trường kinh doanh có quá nhiều hạn chế và cản trở, hoặc các chính sách đưa ra lại không thể áp dụng để đẩy DN lên được", bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

Theo Giám đốc điều hành Hồ Gươm, về thủ tục đầu tư, mời đón DN, địa phương nên tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan giúp đỡ DN. Tuy nhiên, địa phương lại hướng dẫn không đầy đủ, bắt bẻ câu chữ, khiến DN phải sửa đi sửa lại nhiều lần, đi lại khó khăn, kéo dài thời gian dẫn đến chậm tiến độ, mất cơ hội đầu tư, thiệt hại tiền vốn của DN.

Trong khi đó, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu khó khăn cho các DN. Chỉ cần 1 hộ dân không đồng ý dẫn đến toàn bộ dự án bị ảnh hưởng, DN đã bỏ vốn nhưng không hoàn thành đc thủ tục xin cấp giấy quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương không vào cuộc, thả nổi cho DN tự giải quyết. Hiện tại, Hồ Gươm có 1 nhà máy đã hoàn thiện tại Hòa Bình, đến nay vẫn không hoàn tất được thủ tục do vướng mắc vấn đề nêu trên.

"Chính sách nói chung hiện nay là trên rải "thảm" nhưng dưới lại rải "đinh". Các yếu tố cản trở kinh doanh hiện nay là các vấn đề liên quan đến luật đất đai, thuế quan, thủ tục hành chính, vay vốn kinh doanh. Đặc biệt hiện nay, ngân hàng có quy định mới siết chặt các khoản vay, mỗi hạng mục vay vốn phải đăng ký trước và chờ đợi phê duyệt. Từ đó làm chậm trễ và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh", bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhìn nhận.

Chưa nhiều DN lớn

Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp của NCIF nhấn mạnh, mặc dù DN tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều DN tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới.

Một số DN tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, DN tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan.

Ngoài ra, họ còn đối mặt với rủi ro về thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh khiến việc đầu tư kinh doanh của DN thường có tính ngắn hạn, nhỏ lẻ mà không có tính chiến lược dài hạn.

Mặc dù một số chính sách, quy định hiện hành trong tiếp cận ưu đãi đầu tư, tham gia thị trường, cung ứng hàng hóa dịch vụ qua đấu thầu... đang tạo ra những ưu thế gián tiếp cho DN lớn. Những quy định đó có thể được hiểu là các rào cản về quy mô đặt ra với các DN nhỏ hơn là những chính sách cụ thể nhằm phát triển các DN lớn ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế

Từ việc chỉ ra những khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Hiền kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện để các start up ươm mầm và phát triển. Cần có những hướng dẫn cụ thể đồng bộ giữa các địa phương, để thống nhất và giúp cho DN thuận lợi trong quá trình đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trần Toàn Thắng kiến nghị, cần thiết xây dựng chính sách riêng cho các DN lớn có khả năng chấp nhận rủi ro, có khả năng quản lý, dẫn dắt thị trường và đầu tư cho nghiên cứu các công nghệ mới, trở thành người “dẫn đầu” trong “sân chơi chung”. Khi các DN này lớn mạnh hơn, hiệu quả hoạt động của toàn nền kinh tế sẽ được tăng lên.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có các chính sách ưu đãi với DN lớn. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách khuyến khích DN lớn xuất khẩu, trợ cấp cho các DN lớn chuyển đổi ngành sang chế biến chế tạo xuất khẩu.

Quốc gia này cũng thực hiện chương trình cải cách tập đoàn kinh tế, hướng vào các ngành lõi giảm đa ngành. Đồng thời giảm tập trung kinh tế thông qua khuyến khích hợp tác với DN nhỏ hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc dành nhiều ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế quy mô lớn trong tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường toàn cầu. Để hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế, Trung Quốc đã tiến hành cải cách thể chế về tập đoàn, chọn lọc thí điểm, rồi mới nhân rộng từ khu vực nhà nước phát triển ra khu vực kinh tế tư nhân và FDI.
Nguyệt Minh
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/con-nhieu-tinh-trang-tren-rai-tham-duoi-rai-dinh-gay-kho-cho-doanh-nghiep-lon/20220821052416180