Mới đây Ủy ban nhân dân Bình Định đề xuất đề án thí điểm taxi bay trên địa bàn tỉnh đã thu hút sự quan tâm trở lại với loại hình vận tải mới này.

Taxi bay eVTOL (electric vertical take - off and landing) là máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng giống trực thăng, chạy bằng điện, chở được 4-5 người. Tầm nhìn về một tương lai của taxi bay từng được nhắc đến trong loạt phim hoạt hình The Jetsons những năm 1960, trong đó ô tô bay chứ không phải lái, có thể đang tiến gần hơn, do nhiều quốc gia đã chính thức tham gia cuộc đua này.

Theo thống kê, hiện có hàng trăm công ty công nghệ tại các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phát triển loại phương tiện này với niềm tin, taxi bay sẽ thay thế dần cho các phương tiện truyền thống có tuổi đời đã lạc hậu.

Với sự đột phá từ công nghệ, trong hơn 1 thập kỷ qua, máy bay không người lái chạy bằng cánh quạt đã cho thấy sự lột xác đáng kinh ngạc và một viễn cảnh sắp trở thành hiện thực ở các thành phố lớn như: Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và New York (Mỹ). Và gần đây, Bộ Giao thông vận tải của Vương quốc Anh đã ban hành kế hoạch để có những chiếc eVTOL đầu tiên trên bầu trời London, với mục tiêu sớm nhất là hai năm kể từ 2024.

Nhận thấy tiềm năng từ “mảnh đất” mới này, nhiều công ty công nghệ đang tăng tốc để sớm về đích với nhiều mô hình máy bay ra đời và đang được chạy thử nghiệm. Những người ủng hộ taxi bay tin rằng, đây là giải pháp thay thế sạch hơn cho máy bay phản lực đốt nhiên liệu hóa thạch để chở khách. Mặc dù trên thế giới, nhiều nước đã đầu tư cho loại hình này, song thực tế, chưa có nơi nào đang vận hành thương mại vì thiếu cơ sở pháp lý.

Để sớm hiện thực hoá "giấc mơ" taxi bay, mới đây, Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng đã ban hành quy định được xem là cuối cùng về việc vận hành taxi bay và người điều khiển chúng. Ông Mike Whitaker - người đứng đầu Cục này từng nhấn mạnh "taxi bay sẽ là loại máy bay mới đầu tiên của loài người sau 80 năm kể từ khi trực thăng ra đời".

Tuy nhiên, trăn trở hiện nay, do loại hình này được tích hợp từ công nghệ hiện đại, với nhiều tính năng vượt trội, chi phí sản xuất vẫn còn đắt đỏ (một số mẫu hơn 1 triệu USD). Theo đó, vấn đề đặt ra mức chi trả cho taxi bay sẽ khiến người thu nhập thấp khó đáp ứng, chỉ thích hợp cho những người có thu nhập cao. Mặc dù chưa có một con số chính xác, song có thể nhìn nhận, trước sự cạnh tranh giữa các hãng sản xuất, cùng với cơ sở pháp lý rõ ràng, giá vé taxi bay hoàn toàn có thể đạt kỳ vọng của đại đa số người dân.

Tại Việt Nam, mới đây Bình Định đã xây dựng đề án thí điểm taxi bay, Bộ Giao thông vận tải sau đó đã có phản hồi cho rằng, ủng hộ các địa phương nghiên cứu triển khai những loại hình phương tiện phù hợp, an toàn, trong đó có taxi bay, tạo phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại để xây dựng hình ảnh, phát triển du lịch.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn chỉ ra, khi Việt Nam phát triển loại phương tiện này cần có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng với taxi bay. Bộ tiêu chuẩn này liên quan đến an toàn bay, an toàn với thiết bị bay đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ. Theo đó, việc này cần nhiều thời gian và cần được chuyên gia đầu ngành nghiên cứu. Đặc biệt, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu, tham khảo các bộ tiêu chuẩn theo khung quốc tế.

Bên cạnh đó, thử nghiệm taxi bay cần một số điều kiện về hạ tầng kỹ thuật. Để đặt mục tiêu xa hơn với taxi bay phục vụ mục đích thương mại, cơ quan quản lý cần có những đánh giá cơ hội, quy mô, tiềm năng thị trường của ngành taxi bay. Qua đó, xác định năng lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam để đưa ra chiến lược đầu tư cụ thể, bài bản.

Cũng theo các chuyên gia giao thông, các chuyến bay từ loại hình này phải thiết kế đường bay cố định, đặc biệt, vấn đề an toàn hàng không cần phải xem xét rất thận trọng. Như PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị “phải quy hoạch các đường bay trên không của taxi bay giống như thiết lập mạng xe buýt trên đường bộ. Đó là xa lộ trên không, xe buýt trên không của từng thành phố. Hành khách đến các điểm bay để lựa chọn cho mình lộ trình phù hợp”.

Dù tại Việt Nam, việc đầu tư cho loại hình này mới chỉ là mào đầu, chưa có các quy định trong việc quản lý, khai thác đối với hoạt động kinh doanh, thực hiện vận chuyển bằng loại hình taxi này. Theo đó, bài toán đặt ra, việc nghiên cứu triển khai đưa vào khai thác taxi bay, cũng như các loại hình phương tiện giao thông khác, cần có một lộ trình bảo đảm an toàn, bền vững với những bước đi thận trọng, khoa học và chặt chẽ.

Theo Báo Công Thương
Theo https://tapchitaichinh.vn/cuoc-dua-taxi-bay-tren-the-gioi-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam.html