Để đảm bảo sản xuất, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả các công nhân, lao động trong KCN. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Doanh nghiệp linh hoạt tìm giải pháp

May mặc là ngành sản xuất chịu tác động lớn bởi dịch bệnh COVID-19, để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động và góp phần hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của địa phương, các doanh nghiệp may mặc đã nỗ lực trong kết nối, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất. 

Là đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc, hàng phục trợ may mặc xuất 100% sang thị trường Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch COVID -19, sản lượng tiêu thụ của thị trường Nhật Bản giảm. Trước nguy cơ kế hoạch sản xuất của năm có thể bị đe dọa, khó đạt doanh thu mục tiêu, công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh, hướng tới tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ.

“Trước giờ công ty chỉ sản xuất và xuất hàng về công ty mẹ tại Nhật Bản. Tuy nhiên dịch COVID-19 buộc đơn vị phải thích ứng bằng cách tìm thêm các đối tác bên ngoài, mở rộng thị trường. Hiện đơn hàng của công ty đi thị trường Nhật Bản đã có đến hết quý III và một đối tác tiềm năng cũng đang thương lượng có tín hiệu khả quan”, bà Lê Thị Hồng Thủy, Giám đốc điều hành công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng cho biết.

Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chịu tác động khá toàn diện do ảnh hưởng của dịch bệnh do các phương pháp kiểm soát dịch. Trước tình hình này, công ty đã chủ động chọn hướng đi đúng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu qua nhiều thị trường qua thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

“Chúng tôi đang tận dụng tốt EVFTA để hàng xuất đi thị trường EU hưởng các ưu đãi thuế quan. 5 tháng đầu năm 2021, công ty vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 25% cho cả doanh thu và sản lượng”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước cho hay. 

Để vừa phòng chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, vừa qua TP. Đà Nẵng đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm chặn dịch COVID-19 từ xa.

Đến nay, đã có 415/415 doanh nghiệp thành lập Tổ an toàn COVID-19, chính nhờ triển khai hàng loạt giải pháp phòng dịch nên hơn 60.000 người lao động trên toàn TP. Đà Nẵng đều có công việc giữa mùa dịch.

Doanh nghiệp Đà Nẵng vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa linh hoạt tìm kiếm thị trường. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Các chỉ số kinh tế duy trì được đà tăng trưởng

Nhờ áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, kinh tế TP. Đà Nẵng tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2020.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tháng 5/2021 tăng 1,3% so với tháng 4/2021 (khi chưa có dịch) và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 3,9% so với cùng kỳ 2020.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 5/2021 tăng 9,7% so với cùng kỳ và có dấu hiệu giảm so với tháng 4. Tính chung 5 tháng, chỉ số tiêu thụ vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 13,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2021 ước đạt 5.228 tỷ đồng, giảm so với tháng 4/2021, do người dân hạn chế ra đường, chủ yếu mua nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, mức bán lẻ này vẫn cao, tăng hơn 20,7% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng ước đạt 26.990 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2020.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,182 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 654,1 triệu USD, tăng 13,9% và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 582,3 triệu USD, tăng 12,8%. Cán cân thương mại thành phố vẫn duy trì được đà xuất siêu, với mức thặng dự thương mại 125,9 triệu USD.

Trong tháng 5/2021, TP. Đà Nẵng cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án trong nước với tổng vốn 92 tỷ đồng, 3 dự án FDI tổng vốn đăng ký 1,14 triệu USD. Có 1.729 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 17,2% về số doanh nghiệp và 20,5% về số vốn so với cùng kỳ 2020.

Trước diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước và thế giới vẫn phức tạp, lãnh đạo TP. Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thành lập tổ an toàn COVID-19 tại mỗi công ty, bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch, không để dịch COVID-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp sản xuất, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhằm đảm bảo “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Lưu Hương

Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Da-Nang-Siet-chat-phong-chong-dich-on-dinh-san-xuat/433318.vgp