Sáng 18/8, tại thành phố Hải Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Xi măng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hình ảnh: Dấu ấn của ngành Xi măng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước số 1
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo 
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh, từ một đơn vị ban đầu là nhà máy Xi măng Hải Phòng - nhà máy Xi măng duy nhất ở Đông Dương thời thuộc địa, ngành Xi măng Việt Nam đã nhanh chóng phát triển lớn mạnh, mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Trong những năm tháng lịch sử hào hùng, ngày 30/5/1957, nhà máy Xi măng Hải Phòng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã dành những tình cảm thắm thiết, động viên, ân cần căn dặn cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng như ngành Xi măng Việt Nam.
 
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, 65 năm qua, thực hiện những lời căn dặn của Bác, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Xi măng Việt Nam luôn nêu cao tinh thần thi đua ái quốc, trung dũng, đoàn kết, kiên cường, nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Hình ảnh: Dấu ấn của ngành Xi măng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước số 2
Hình ảnh tại buổi Hội thảo.
Đặc biệt, hơn 35 năm Đổi mới, ngành Xi măng Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng, hiệu quả, năng động với cơ chế thị trường, đưa ngành Xi măng từng bước vươn lên, tạo nên nền tảng vững chắc của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam. Từ chỗ mô hình tổ chức sản xuất thuộc sở hữu nhà nước, từ chỗ chỉ khép kín trong phạm vi trong nước, đến nay ngành Xi măng đã thực hiện cổ phần hóa, có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng chuẩn mực của các nước phát triển và từng bước thực hiện thành công việc thay thế nhập khẩu, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu… Trong đó, ngành Xi măng đã thay đổi mạnh mẽ, đột phá vào khoa học công nghệ mới. Hiện nay, tất cả các dây chuyền Xi măng ở Việt Nam sản xuất theo công nghệ khô, lò quay, tháp trao đổi nhiệt cyclon. Các dự án đầu tư sau năm 2011 đều sử dụng công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn châu Âu.
 
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong các thời kỳ, ngành Xi măng Việt Nam đã không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện chính mình và vươn lên để đạt được những thành quả rất đáng tự hào, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu. Với vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước, trong từng cây cầu, công trình giao thông đô thị, những tòa nhà cao ốc, trụ sở, cơ quan của nhà nước, doanh nghiệp, nhà cửa của người dân hôm nay đều có dấu ấn của ngành Xi măng Việt Nam. Trong đó, Tổng công ty xi măng Việt Nam rất đỗi tự hào gắn liền với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, hiện là doanh nghiệp số một của ngành công nghiệp Xi măng Việt Nam, có quy mô sản xuất lớn nhất nước và hàng đầu Đông Nam Á.
 
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đạt được những thành tựu to lớn nói trên là nhờ các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công nhân lao động toàn ngành Xi măng hơn 65 năm qua đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, đột phá và sáng tạo.
 
Nhấn mạnh tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp Xi măng nước ta còn rất lớn, tiếp tục là ngành công nghiệp quan trọng đáp ứng yêu cầu khởi công xây dựng nhiều dự án công nghiệp lớn, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị và nhà ở… Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cần sự nỗ lực rất lớn để ngành Xi măng vượt qua. Điều quan trọng nhất mà Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, cần có niềm tin mạnh mẽ và khẳng định rằng, ngành Xi măng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là một ngành công nghiệp cơ bản trong hệ thống các ngành công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.
 
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, toàn ngành Xi măng Việt Nam phải thật sự đổi mới tư duy phát triển, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, đoạn tuyệt dứt khoát với tư duy quan liêu, bao cấp, tiếp tục chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cơ cấu ngành; đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội thông qua tăng cường liên kết và hợp tác. 
 
Tại Hội thảo, với hơn 40 báo cáo, tham luận cùng các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, vị trí, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đánh gián những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại của ngành Xi măng Việt Nam.
 
Các đại biểu đã đề xuất những định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của ngành Xi măng Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Tin, ảnh: Phạm Cường
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dau-an-cua-nganh-xi-mang-trong-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-617708.html