Vài năm trở lại đây, nhiều người đã mạnh tay mua thêm một căn nhà nghỉ dưỡng tại vùng biển hay khu du lịch để tận hưởng cùng gia đình – xu hướng tạo căn nhà thứ 2 (second home), và xu hướng này đang ngày một nở rộ ở Việt Nam.
Xu hướng second home
Bà Bùi Kim Thùy – chuyên gia kinh tế, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ Asian cho rằng, second home không mới, nó đã là xu hướng của khu vực, thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Việt Nam là nước có đường bờ biển dài nên nhiều người thường có suy nghĩ muốn nhiều hơn một căn nhà. Do vậy, second home chỉ là một lượng từ đại diện cho việc sở hữu nhiều hơn một căn nhà thôi. Vì rất nhiều người có thể có nhiều hơn cả số căn nhà số 2.
Một tọa đàm về xu hướng tạo căn nhà thứ 2 (second home) do báo VnExpress tổ chức mới đây.
Người dân Việt Nam sở hữu nhiều hơn một căn nhà tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng cũng là việc bình thường, theo bà Thủy. Tất nhiên không chỉ bó hẹp với những căn nhà có hướng view biển, mà còn có những căn nhà thứ hai hướng ra sông, hồ, núi.
Diễn viên Tuấn Tú kể trước đây cũng có sở hữu ngôi nhà thứ hai nhưng ở bình diện khác. Đó là khi anh mua nhà tại TP.Hồ Chí Minh vì hay vào đấy làm việc, nên sở sở hữu 1 ngôi nhà để tiện cho việc làm việc của mình.
Tuấn Tú cho rằng, hiện nay nếu có ý định để sở hữu thêm 1 căn nhà nữa thì anh sẽ chọn những địa điểm để mang lại giá trị sống cho bản thân mình. Vì qua dịch bệnh vừa rồi ai cũng hoảng loạn, ai cũng nghĩ mình không có chút hưởng thụ nào cả, mà lại bị quay vào luồng cuộc sống quá vất vả. Khi Covid-19 xảy ra thì nhiều người mới nhìn nhận lại là bản thân đã làm được gì cho chính mình và gia đình.
“Nếu có 1 dự án, 1 ngôi nhà thật sự mang đúng nghĩa là nghỉ dưỡng thì vẫn phải có sự lợi nhuận, sinh lời thì sẽ tốt hơn. Tú nghĩ nếu có được giá trị sống như vậy thì những người đầu tư tiếp theo sau mình chẳng hạn vẫn sẽ có những lựa chọn tốt nhất. Nên second home vẫn là kênh đầu tư rất tốt”, Tuấn Tú chia sẻ.
Triển vọng bùng nổ second home sau đại dịch
Liệu triển vọng của thị trường second home sẽ như thế nào? Dịch bệnh có làm giảm bớt tiềm năng của kênh đầu tư này trong dài hạn hay không?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy cho rằng, sẽ có hai cách nhìn. Một cách nhìn trong ngắn hạn đầu tư và đầu cơ. Đầu tư là phải xác định bỏ nguồn lực không chỉ là tài chính mà trong 1 khoảng thời gian dài mới nhận ra lợi ích của việc đầu tư.
Còn đầu cơ thì trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí mang tính chộp giật hay bỏ qua yếu tố về mặt pháp lý để mong có thể “lướt ván lướt sóng” đón được 1 chút lợi ích từ nguồn lực cực kỳ nhanh chóng mà chúng ta bỏ ra trong khoảng thời gian ngắn.
“Tôi nghĩ dịch bệnh rồi sẽ qua thôi, dịch bệnh là chung của các thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, kênh đầu tư về bất động sản vẫn sẽ được đánh giá là một kênh đầu tư an toàn và chắc chắn sinh lời”, bà Thùy nhìn nhận.
Trong khi đó, diễn viễn Tuấn Tú cho rằng, trước đây anh đã từng nghĩ đến việc ngoài sở hữu căn nhà thứ 2 ở Việt Nam thì còn có ý định đầu tư ở nước ngoài, 1 số vùng biển ở nước ngoài như Philippines hay châu Âu. Nhưng sau đại dịch vừa rồi, giá trị đã thay đổi thật sự.
“Khi mình nhìn thấy lượng người Việt Nam muốn đi ra nước ngoài và lượng người ở nước ngoài quay về Việt Nam hoàn toàn chênh lệch nhau. Ai cũng mong về Việt Nam vì Việt Nam đã làm được mọi thứ mà thế giới vẫn đang chật vật khó khăn”, Tuấn Tú chia sẻ.
Theo anh, những nước hàng đầu như Mỹ, châu Âu cũng không ngoại lệ. Khi đại dịch diễn ra xong, hiện tại đang như vậy thì anh hoàn toàn không còn ý muốn mua nhà ở nước ngoài nữa. “Mình mua giá trị sống theo kiểu nước ngoài, có thiên nhiên cảnh quan sinh lời và hưởng bầu không khí an lành, yên bình của Việt Nam thì đấy là điều ưu tiên số 1”, Tuấn Tú nói.