Tâm lý đầu cơ vàng, ngoại tệ giảm mạnh
 
Trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, tuần qua, không chỉ các loại hàng hoá mà cả vàng hay ngoại tệ cũng tiếp tục ghi nhận nhiều biến động.
 
Tâm lý đầu cơ ngắn hạn vào những kênh đầu tư này sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro, trong khi nhìn về dài hạn, những thị trường chuyên nghiệp như thị trường chứng khoán, hay thị trường trái phiếu vẫn mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức và cá nhân.
 
Từng có thói quen mua ngoại tệ để dành, tuy nhiên, sau vài năm, anh Đặng Quang Vinh, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội nhận thấy lãi từ giữ tiền USD không như kỳ vọng nên đã bán hết số ngoại tệ tích trữ, chỉ để lại vài tờ USD lẻ.
 
Anh Đặng Quang Vinh cho biết: "Giai đoạn năm 2015-2018 tiền USD chỉ dao động từ 22.200-22.500 đồng nên tôi thấy chờ mãi cũng không có lãi nên bán hết rồi".
 
Chán USD nhiều người cũng không còn kiên nhẫn với vàng. Hộp tiết kiệm vàng của bà Nguyễn Thị Nguyên, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội giờ chỉ còn 1 vài chỉ vàng may mắn, số còn lại đã được bán hết chuyển sang gửi tiết kiệm.
Hình ảnh: Đầu tư vào đâu khi kinh tế có nhiều bất ổn? số 1
Tâm lý đầu cơ vàng giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nguyên chia sẻ: "Ngày xưa mua vàng lo trượt giá, giờ thì thấy tiền Việt cũng ổn nên gửi tiết kiệm hoặc giá vàng biến động mạnh không biết thế nào, giờ tôi mua 64 triệu đồng/lượng nhưng bán chỉ có 62 triệu đồng/lượng thôi thì không được, tôi giữ tiền cho an toàn".
 
Giá vàng trồi sụt mạnh, tuần qua đã có thời điểm rớt tới gần 6 triệu đồng/lượng. Biến động mạnh, giá cao, rủi ro nhiều, người dân không mặn mà nên giao dịch tại các cửa hàng trầm lắng.
 
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài khóa tiền tệ Quốc gia, cho biết: "Chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tỷ giá tương đối tốt trong khoảng 5 năm vừa qua nên tâm lý găm giữ vàng nó cũng giảm theo. Người ta thấy đầu tư vào vàng không kiếm lời tốt như trước kia. Khuôn khổ pháp lý sau khi có Nghị định 24 thì thị trường vàng đang dần ổn đinh hơn".
 
Các chuyên gia nhận định chính quy định chấm dứt quan hệ huy động - cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng và đưa lãi suất gửi ngoại tệ về 0% đã làm giảm tâm lý đầu cơ của người dân. Điều này phù hợp với chủ trương chống vàng hóa, đô la hóa, và đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
 
Cổ phiếu đang hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong cả trung và dài hạn việc đầu tư, vàng và ngoại tệ đều không tạo ra hiệu suất sinh lời hấp dẫn như đầu tư chứng khoán hay trái phiếu bởi đầu tư chứng khoán, trái phiếu là ta góp vốn hoặc cho doanh nghiệp vay tiền và mỗi đồng vốn sau khi qua doanh nghiệp sẽ được chảy vào nền kinh tế và chính sự lưu thông này mới tạo ra nhiều giá trị.
 
Theo dữ liệu của công ty quản lý quỹ Dragon Capital, trong 5 năm gần đây, cổ phiếu là kênh có tỷ suất sinh lời cao nhất lên tới 19,2%/năm (tương đương tăng 140% trong 5 năm). Điều này đồng nghĩa, bình quân nhà đầu tư có thể thu về số tiền 2,4 tỷ đồng nếu tham gia đầu tư 1 tỷ đồng từ năm 2017.
 
Trong khi đó, đầu tư trái phiếu là 9,8%/năm (tương đương tăng 60% trong 5 năm qua). Hai kênh sinh lời kém nhất là vàng 6,1%/năm và USD 0,2% (tương đương tăng vỏn vẹn 1% trong 5 năm).
Hình ảnh: Đầu tư vào đâu khi kinh tế có nhiều bất ổn? số 2
Theo các chuyên gia, đây là lúc nhà đầu tư hãy tập trung vào những giá trị quan trọng để chắt lọc cơ hội đầu tư tốt, chứ không nên quá lo lắng với những câu chuyện bên ngoài.
 
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, VinaCapital, nhận định: "Rủi ro với thị trường Việt Nam không có cao, kinh tế mà tăng 6-7%/năm trên thế giới nó hiếm lắm, theo Vincapital gọi vốn đầu tư ngoại vào Việt Nam không có khó, nhìn vào cơ bản doanh nghiệp, đây là cơ hội".

Theo tinh thần mới nhất từ Nghị quyết 86 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn, đến năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ chiếm 100% GDP.Tiềm năng thị trường còn đến từ việc toàn bộ nguồn lực đang được Chính phủ thúc đẩy để tập trung sớm giúp TTCK Việt nam được nâng hạng. Ước tính nếu nâng hạng thành công thị trường sẽ lập tức hút 10 tỷ USD vốn gián tiếp.
 
Hoàn thiện hành lang pháp lý trái phiếu doanh nghiệp
 
Bên cạnh cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đang dần được hoàn thiện theo hướng phát triển minh bạch và bền vững.
 
Thực tế, xét về dài hạn, đây vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng, chuyên nghiệp để thị trường vốn vận hành cân bằng, nhà đầu tư có nhiều kênh sinh lời hiệu quả. Quan trọng nữa là doanh nghiệp có đủ công cụ huy động vốn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
 
Sau khi có 1 số vụ việc điển hình liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp bị xử lý, tính ra quý 2 chỉ có 111.814 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giảm mạnh tới 43,7% so với cùng kỳ.

Việc có 1 hành lang pháp lý mới từ Nghị định 153 sửa đổi cũng giống như việc doanh nghiệp được khoác 1 tấm áo mới, chỉnh tề hơn, để từ đó họ có thể tự tin hơn để phát hành nhiều hơn nữa trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng như phát hành riêng lẻ. Dù số lượng trái phiếu tháng 4 có giảm mạnh nhưng tháng 5 và tháng 6 tăng trở lại. Kỳ vọng với sự hoàn thiện của Nghị định 153, sẽ có nhiều hơn nữa trái phiếu được phát hành ra trong thời gian tới.
 
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, nói: "Dự thảo mới tác động tích cực bởi đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, các nhà đầu tư trên thị trường nên phân loại như thế nào và cuối cùng yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng quy định để có khả năng hoàn trả".
 
Việc đưa xếp hạng tín nhiệm vào dự thảo lần này để cải thiện tính minh bạch cũng được các thành viên thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, với bản dự thảo gần đây nhất đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, vẫn còn những kiến nghị để góp phần đưa nghị định gần hơn với thông lệ quốc tế.
 
Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Nguồn vốn, VNDIRECT, cho biết: "Nếu như hạn chế mục đích sử dụng vốn được áp dụng sẽ là thiệt thòi doanh nghiệp Việt Nam, thiếu nguồn tài chính cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà".
 
Thực trạng đáng tiếc là tỷ trọng phát hành ra công chúng quý 2 này chỉ 0,3%, tức là giảm 30 lần so với quý 1. Việc trái phiếu riêng lẻ tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi quản lý chặt chẽ hơn có lẽ là điều cần thiết. Tuy nhiên, song song với đó, có những cơ chế thông thoáng hơn để dòng vốn trái phiếu chuyển sang kênh phát hành ra công chúng, có lẽ cũng là điều được doanh nghiệp kỳ vọng để có thể mở đường.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần hạn chế tâm lý đầu cơ ở thời điểm này bởi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Với hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện thì trái phiếu hay cổ phiếu đang là kênh đầu tư chuyên nghiệp tạo ra rất nhiều cơ hội trong dài hạn cho cả người dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dau-tu-vao-dau-khi-kinh-te-co-nhieu-bat-on/20220725075552193