Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nguồn ảnh: Internet
|
Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tháng 6/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 11.314 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký tương ứng 164.321 tỷ đồng. Bước sang tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng. Trong tháng 8/2021, có 5.761 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 68.000 tỷ đồng.
Những số liệu kể trên phần nào phản ánh khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 những tháng qua. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực hơn, trong tháng 7 và 8/2021 quãng thời gian nền kinh tế-xã hội phải đương đầu với vô vàn thách thức do tác động của dịch bệnh, con số khoảng 14.500 doanh nghiệp thành lập mới tuy nhỏ nhưng chính là “vốn quý”, minh chứng cho nỗ lực và sức sống mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra là: Cần hỗ trợ, tạo điều kiện ra sao để tiếp sức cho những doanh nghiệp thành lập mới này trụ được trong nền kinh tế và phát triển, để những “cây non” sống khỏe trong “bão” COVID-19.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập
Các chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 đã được ban hành, nhưng có thể nói doanh nghiệp thành lập mới không thuộc đối tượng của các gói này, bởi lẽ, họ chưa có thời gian hoạt động, chưa đi vào sản xuất, kinh doanh để có hồ sơ chứng minh tác động của dịch đến doanh nghiệp, đồng thời chưa có cơ sở tiếp cận hỗ trợ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Nhà nước ta ‘bỏ ngỏ’ ưu đãi cho nhóm này. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), những doanh nghiệp mới thành lập thường gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Do vậy, trên thực tế, ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập vượt qua giai đoạn ban đầu đã được ban hành,.
Một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập chính là những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tùy từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp mới thành lập có thể được miễn thuế, giảm thuế đến 50% trong một thời hạn nhất định hoặc hưởng thuế suất ưu đãi 10-20%.
Ngoài ra, liên quan đến thuế giá trị gia tăng, nếu hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh thuộc nhóm đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì mức thuế được áp dụng thường là 5% hoặc 10%.
Bên cạnh đó, mức ưu đãi khi tính thuế xuất nhập khẩu được áp dụng hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này. Trong trường hợp hoàn tất thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật, tuỳ từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp khi tính thuế xuất, nhập khẩu sẽ được hưởng một số chế độ về miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế.
Đối với các thành viên của doanh nghiệp thành lập mới như cổ đông, chủ doanh nghiệp, thu nhập cá nhân có được từ đầu tư vốn cho doanh nghiệp được áp dụng mức thuế suất 5%. Riêng với người lao động thì sẽ căn cứ vào mức thu nhập để áp dụng mức tính thuế suất ưu đãi khác nhau.
Thông thường, doanh nghiệp mới thành lập sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng quy định phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thu thuế thường sẽ dao động từ 5% đến 150% tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, một số nhóm doanh nghiệp thành lập mới được xem xét giảm thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế.
Cần hướng dẫn, dự báo cụ thể để doanh nghiệp gia nhập thị trường
“Thời gian tới, để có nhiều doanh nghiệp thành lập mới hơn nữa, vấn đề cối lõi là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường”, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập mới phải tạm dừng hoạt động hoặc rút khỏi thị trường, cần chú trọng đến hai yếu tố chính. Yếu tố thứ nhất liên quan đến điều kiện để thành lập doanh nghiệp cũng như điều kiện kinh doanh. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ những rào cản như: Thủ tục về đăng ký kinh doanh thuận lợi hơn, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cần phải được cởi mở hơn cho đối tượng là doanh nghiệp thành lập mới, để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc gia nhập thị trường và bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Giải pháp quan trọng thứ hai mà Chính phủ cần hướng tới là bảo đảm sự ổn định thị trường. Nghĩa là cần có những hướng dẫn, dự báo cụ thể cho các tình huống của thị trường, để doanh nghiệp có khả năng lường trước và có thể ứng phó linh hoạt”, bà Thảo nhận định.
Phân tích thêm, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chỉ khi nào nhà đầu tư nhìn thấy được mức độ rủi ro thấp và khả năng họ có sự linh hoạt trong việc nhận thức được, dự đoán được tình huống xảy ra trong phản ứng chính sách của Chính phủ, họ mới quyết định rót vốn và thành lập doanh nghiệp.
Ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập mới như các chính sách trong điều kiện bình thường về đăng ký kinh doanh, gỡ bỏ rào cản điều kiện kinh doanh, thì trong trạng thái “bình thường mới”, cần thêm những dự đoán về phòng chống dịch bệnh hay các vấn đề hỗ trợ thiết thực khác theo bối cảnh chung của quốc tế và khu vực. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện và cơ sở quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây mới chính là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp yên tâm hơn khi quyết định gia nhập thị trường.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan phải bảo đảm vấn đề lưu thông hàng hoá thì doanh nghiệp mới có thể sản xuất kinh doanh. Khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động sẽ giảm đi, chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn là doanh nghiệp thành lập mới nữa.
Nhấn mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, bà Thảo hy vọng với những hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập của Chính phủ, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp sẽ sớm đạt được những mục tiêu theo định hướng phát triển riêng của doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế./.