Quang cảnh Hội thảo - Ảnh:VGP. |
Nêu rõ nguyên nhân của tình trạng trên do chủ quan là chủ yếu, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận kỹ 4 nhóm vấn đề trọng tâm gồm: Làm rõ nội hàm của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; làm rõ sự khác biệt về quyền của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu với quyền của Nhà nước trong vai trò quản lý nhà nước về đất đai; đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến đất đai; đề xuất giải pháp phân định rõ các loại hình đất đai, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng.
Các ý kiến tham luận đã làm rõ thêm một số vướng mắc, hạn chế và tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19, nhất là quan điểm, định hướng và một số giải pháp mang tính đột phá về quản lý, sử dụng đất đai trong bối cảnh mới như: Khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; làm rõ nội hàm của Nhà nước thống nhất quản lý; quyền chủ sở hữu của người dân; hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, hiện đại…
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19 Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến tham luận đã làm rõ, thống nhất một số quan điểm, định hướng lớn trong quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là sản phẩm của lịch sử phát triển khách quan; chủ thể lợi ích trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là nhân dân; quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lực, vì vậy nhân dân bảo vệ đất đai và sẽ định đoạt lợi ích phải thuộc về nhân dân trước hết, trên hết. Các quan hệ về thị trường trong lĩnh vực đất đai sẽ được vận hành thông suốt trên nền tảng sở hữu toàn dân về đất đai xét về cả lý luận cũng như thực tiễn.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng hội thảo cũng đưa ra một số định hướng quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Đó là: Làm rõ nội hàm Nhà nước thống nhất quản lý; quyền chủ sở hữu của người dân; làm rõ tính tài sản của đất đai; các mối quan hệ lớn trong quản lý và sử dụng đất... Hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới công tác quy hoạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất; đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý đất đai; phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất thực sự trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả; kết nối, liên thông với thị trường các nhân tố sản xuất khác; phát triển minh bạch, ổn định; phát huy cao nhất nguồn lực đất đai cho phát triển.
Trên cơ sở những ý kiến tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tổ chức hội thảo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 19 tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến phát biểu tại Hội thảo để tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và xây dựng Nghị quyết mới trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII...
Anh Minh