Hội thảo trực tuyến "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết" - Ảnh:VGP |
Hiệp định RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020, trong đó, xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19. Hiệp định nay mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Hiệp định RCEP cũng được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (FTA ASEAN+) với nhiều cam kết cao hơn, bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể như thương mại điện tử, mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ ….
Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform đánh giá: RCEP nhận được sự quan tâm từ các cơ quan, cộng đồng DN và các học giả Việt Nam. Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo các chuyên gia, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định RCEP, trước hết, DN cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này.
Về thực trạng DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, một khảo sát của VCCI được thực hiện hồi năm 2020 cho thấy, tỉ lệ DN hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các DN Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.
Do đó, trong thời gian tới đây, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết của Hiệp định RCEP liên quan đến các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, đầy đủ hơn. Từ đó, từng ngành, từng DN đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này.
Trao đổi thêm với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cho rằng, thực tế hầu hết các thành viên RCEP đều là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện khá “quen mặt”của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hơn nữa, các cam kết không quá cao của RCEP, quy định thời hạn thực hiện cam kết không quá ngắn, các giao dịch thương mại, đầu tư giữa các thành viên gia tăng với nhịp độ vừa phải, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc bên ngooài, RCEP bao quát mọi lĩnh vực và tác động bao trùm mọi thành viên thuộc mọi trình độ và quy mô cho nên sẽ không một thành viên nào “bị bỏ lại phía sau”. Các nước có trình độ phát triển thấp như Campuchia, Lào, Myanmar, hay nhỉnh hơn một chút là Việt Nam đều có cơ hội tham gia vào các quan hệ đối tác kinh tế chiến lược. Nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt được áp dụng với các nước này làm tăng cao lòng tin vào cam kết khu vực.
Trước mắt, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế có các mặt hàng sử dụng nhiều lao động chi phí thấp như: Nông sản, dệt may, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện... cho nên cơ hội gia tăng xuất khẩu rất lớn. Việt Nam có khoảng 90% DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên có cơ hội lớn để phát triển. Bên cạnh đó, các DN hay tập đoàn quy mô lớn cũng có cơ hội mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại và đầu tư sang các nước trong RCEP.
Theo dự tính, các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải tận dụng tốt cơ hội này. RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn. Cho đến nay, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định. Ngoài Australia và New Zealand, các nước ngoài ASEAN đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản. |
Huy Thắng