Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại buổi họp với 16 TCTD, tại đây nhiều ngân hàng đã được đồng thuận giảm lãi suất |
Hỗ trợ nhưng không thể “làm ẩu”
Sau khi NHNN ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng các DN nhỏ vẫn khó tiếp cận, dư luận cũng quan tâm về vấn đề lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về vấn đề này, Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Thông tư 03 “khá phù hợp với xu thế và bối cảnh chung hiện nay” của số đông DN nếu nhìn ở góc độ quản lý.
Diễn biến của dịch còn phức tạp, yêu cầu của NHNN đặt ra là hỗ trợ được và xử lý được những khó khăn của DN, nhưng đi đôi với giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Các điểm mới đáng lưu ý là NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết năm 2021. Đồng thời, phân bổ lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm, từ năm 2021-2023.
So với Thông tư 01 ban hành năm 2020 với mục đích gần tương tự, Thông tư 03 được ban hành chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lợi dụng dịch COVID-19 để các TCTD “làm ẩu”.
Bản thân các TCTD phải ý thức việc triển khai chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đúng địa chỉ và phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ. Ngân hàng không có giải pháp trích lập dự phòng rủi ro thì trong tương lai sẽ rất khó khăn nếu các khoản nợ xấu phát sinh trong khi lợi nhuận đã “tiêu” hết.
Do vậy, Thông tư 03 và trước đó là Thông 01 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ DN đúng theo sự chỉ đạo của Chính phủ
Khuyến nghị các DN muốn tiếp cận tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với các DN đã vay rồi, nhưng vẫn gặp khó khăn thì sẽ tiếp tục cùng nhau tháo gỡ bằng cách cơ cấu lại nợ, điều chỉnh lại nợ và cho vay mới.
Hiện nay, việc cho vay mới có 2 hình thức là cho vay có hoặc không có tài sản đảm bảo. DN phải có tình hình tài chính minh bạch, nếu muốn vay không có tài sản đảm bảo thì DN phải có phương án khả thi và ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền.
Vì sao ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao trong dịch COVID-19?
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về vấn đề “lợi nhuận của một số ngân hàng khá cao trong bối cảnh nhiều DN, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn”.
Đại diện VNBA lý giải các nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD cao là kết quả của cả một quá trình và được tổng hợp từ nhiều yếu tố như: Cơ chế chính sách của Nhà nước được ban hành kịp thời, trong đó có Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ năm 2017. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo NHNN cùng toàn ngành ngân hàng nỗ lực, quyết liệt tái cơ cấu TCTD.
Hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng giúp xử lý “cục máu đông” nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỉ lệ thu nhập bất thường ở các TCTD trong thời gian qua.
Đồng thời, việc ngân hàng chủ động đầu tư sớm vào ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại với chi phí rất lớn trước đây nay đã thu được “trái ngọt”, vừa giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng với dịch vụ, sản phẩm ngân hàng với nhiều tiện ích, giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động…
Đặc biệt, phải kể tới sự hình thành ngân hàng số - một trong những bước chuyển mạnh mẽ của ngành ngân hàng. Nhiều sản phẩm dịch vụ mới, tiện lợi, giao dịch không cần tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Nhờ ngân hàng số và thanh toán điện tử mà lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các TCTD tranh thủ tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp, góp phần tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, quan điểm: Lợi nhuận ngân hàng tăng do “ăn đậm” chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác. Thực tế cho thấy, có thời điểm chênh lệch lãi suất thấp do diễn biến thị trường.
“Tín dụng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc và kỷ luật, nếu DN nào chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất cao thì cần xem lại hiệu quả của dự án. Hơn nữa, không như trước kia, nguồn thu chủ yếu từ tín dụng, hiện nay, các ngân hàng đều cố triển khai nhiều dịch vụ mới hiện đại, giúp tăng tỉ lệ thu từ dịch vụ, có nơi đóng góp tới 40% vào lợi nhuận, điều này phù hợp với xu thế quốc tế”, đại diện VNBA phân tích.
Đại diện VNBA phân tích: Thực tế, lợi nhuận ngân hàng cũng gắn chặt với “sức khoẻ” của DN. Ngay cả lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng hiện nay đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.
Cần phòng tuyến vững chắc trợ lực nền kinh tế
Hiện tại, số nợ cơ cấu ước tính theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347 nghìn tỷ đồng và con số này khả năng sẽ còn lớn hơn nếu tình hình khó khăn kéo dài. Nhiều DN, kể cả những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất kinh doanh do dịch.
“Nợ xấu của ngân hàng vẫn phát sinh và gia tăng trong thời gian tới, dù chủ yếu là nguyên nhân khách quan nhưng hậu quả của đại dịch chắc chắn sẽ rất nặng nề”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Dù vậy, đánh giá chung tình hình, Tổng thư ký VNBA cho rằng, nhờ tái cơ cấu kịp thời, “sức khoẻ” các ngân hàng được cải thiện, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II, có ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao để sẵn sàng “phòng thủ” trước nợ xấu. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai.
“Đây quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, bảo đảm đưa tỉ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ”, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, khác với các DN khác, lợi nhuận ngân hàng tốt sẽ kéo theo hệ quả là hệ số tín nhiệm của các ngân hàng tăng lên, qua đó góp phần nâng hệ số tín nhiệm quốc gia. Do vậy, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, lợi nhuận ngân hàng cao cũng là một nguồn lực để hỗ trợ DN và cả nền kinh tế phục hồi. Ông Nguyễn Quốc Hùng dẫn chứng, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN vừa qua, nhiều TCTD đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Việc giảm lãi này có lợi trực tiếp cho các DN, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển. Nếu sức khỏe của TCTD không tốt sẽ không đủ khả năng tài chính để giảm lãi”, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Đại diện VNBA cho rằng, các chính sách hỗ trợ không phải cố định, NHNN vẫn đang lắng nghe các ý kiến phản hồi, trong thời gian tới những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện các Thông tư chắc chắn sẽ được NHNN xem xét điều chỉnh.
“Thực tế, ngân hàng và DN là cộng sinh. Nếu DN phá sản nhiều thì ngân hàng cũng khó tồn tại. DN dù gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh nhưng có phương án kinh doanh tốt, khả thi thì khó ngân hàng nào từ chối vì bản thân ngân hàng rất muốn tìm được địa chỉ tốt để cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Huy Thắng