DN Đức muốn đầu tư FDI chất lượng cao
Ngày 8/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin DN Đức tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát đánh giá niềm tin DN Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện gần đây cho thấy, có gần 93% DN Đức cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.
Việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. DN Đức lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong 12 tháng tới so với thời điểm mùa thu năm 2021. Có hơn 46% DN có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.
DN Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác như vận tải và logistics.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, Đức nổi tiếng với nhiều tập đoàn lớn mạnh, tuy nhiên, vẫn có 95% DN vừa và nhỏ nắm giữ sức mạnh nền kinh tế nước này.
Giống như các DN châu Âu, so với tiềm năng, số lượng đầu tư của các DN Đức tại Việt Nam còn hạn chế hơn so với các nước châu Á do vấn đề địa lý, e ngại sự khác biệt, e ngại rủi ro. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các DN khi đã đầu tư hướng đến phát triển lâu dài, xây dựng nền móng vững chắc.
Theo ông Marko Walde, các DN Đức không muốn xây dựng "ốc đảo" đầu tư (mang theo cả chuỗi cung ứng gần như khép kín) mà khuyến khích các DN địa phương tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ nhiều hơn, chứ không phải gia công với giá trị gia tăng thấp.
Chẳng hạn, Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (BGSW) phát triển công nghệ phần mềm chuyển hướng một phần đầu tư ngoài Ấn Độ, trong đó Việt Nam là một điểm đến. Tất nhiên, với lĩnh vực công nghệ cao, cần có quá trình chuẩn bị, nâng cao trình độ công nghệ, khó có thể làm "một sớm một chiều".
Dù Việt Nam có tình hình ổn định, chất lượng giáo dục khá, nhưng ông Marko Walde thẳng thắn cho rằng: Một số nước ASEAN, như Thái Lan, đang có thế mạnh hơn về năng lực công nghiệp phụ trợ, cũng như các biện pháp hỗ trợ, hạ tầng. Để phát huy lợi thế, không cách nào khác Việt Nam phải tăng cường năng lực, công nghệ, nhân lực, phát huy tiềm năng của mình. Cần tăng cường đối thoại để có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.
"Nhiều DN Đức đã chia sẻ mong muốn đầu tư tại Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công rẻ. Tôi đã góp ý các DN này không nên coi đây là tiêu chí hàng đầu khi đầu tư ở Việt Nam nếu muốn đầu tư lâu dài trong 20-30 năm tới mà cần phải hướng tới chiến lược đầu tư có chất lượng cao hơn, bền vững hơn", ông Marko Walde nói.
Ông Marko Walde cho biết, đã có không ít tập đoàn, DN trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, phụ kiện, may mặc muốn tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam.
Tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức nhận định: Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do.
Có hơn 73% DN Đức tin rằng việc triển khai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Họ thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, DN Đức đánh giá những yếu tố quan trọng nhất, gồm: Có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%) và hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).
Theo đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, mặc dù DN Đức thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, họ vẫn đang đối mặt với các rủi ro và thách thức do sự bất ổn toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về sự phát triển kinh doanh trong năm tới.
Hiện tại, các DN Đức cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao. Xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra tác động về kinh tế đến DN Đức. Chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics là những vấn đề đáng lo ngại nhất. Điều này dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh quốc tế của họ như điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời về mặt kinh tế (decoupling) giữa các khu vực trên thế giới.
Ông Robin Hoenig, Tư vấn cấp cao về chính sách thương mại (châu Á/ASEAN) đánh giá: Việt Nam là một trong 2 nước ở ASEAN có Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sau Singapore. Đây là Hiệp định có chất lượng cao, không chỉ liên quan đến việc giảm thuế quan mà cả các yếu tố phi thuế quan như mở cửa các thị trường hàng hóa đầu vào, yêu cầu quy định với DN nhà nước hay các hoạt động thương mại điện tử, phát triển bền vững… Đây cũng là một thế mạnh của Việt Nam để thu hút các DN Đức cũng như châu Âu đầu tư, kinh doanh.
Về giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho biết thêm: Các DN Đức đang hỗ trợ đào tạo nghề song hành, chất lượng cao, trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ điện tử, logistics, nhà hàng…
Không chỉ đào tạo nghề, Đức còn hỗ trợ đào tạo nhà quản lý tầm trung hiểu biết thêm các kỹ năng quản lý, cũng như tiêu chuẩn công nghiệp Đức.
Việc có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo các kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức cũng như các quốc gia phát triển khác.
Huy Thắng