Thực tế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và nửa đầu năm 2023 đối mặt nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân gặp không ít khó khăn. Tình trạng này gây không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Sau gần 3 năm chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại thêm khó bởi đứt gẫy chuỗi giá trị cung ứng, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, mới đây còn khó về nguồn điện sản xuất. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME), lại là doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn cần nhiều sự quan tâm về cơ chế, chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới.

Hình ảnh: Doanh nghiệp vững tâm, chung sức dựng xây Tổ quốc hùng cường số 1

Các doanh nghiệp CNHT quy mô vừa và nhỏ (SME) cần nhiều sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới. (Ảnh: MP)

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia, trong đó mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn. Đối với Việt Nam, với định hướng từ Đảng, Nhà nước, chúng ta đang cần tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 17/11/2022. Trong đó, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch HANSIBA, Phó Chủ tịch Công ty N&G Group, với cộng đồng doanh nghiệp, nguồn vốn, dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh như "máu chảy" trong cơ thể con người. Máu lưu thông tốt, thì cơ thể mới thực sự khoẻ mạnh và phát triển. Như nhận định từ các lãnh đạo Bộ, ngành cùng nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các doanh nghiệp đang rất khó khăn lại thêm khó. 

Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cũng rất đồng cảm, tán thành quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội hồi đầu tháng 6/2023 rằng: “Giảm lãi suất là mong muốn thường trực của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và NHNN cũng mong muốn điều này, nhưng việc giảm lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”. Và sự ổn định, phát triển an toàn của hệ thống Ngân hàng Thương mại - cũng là đối tác quan trọng trong việc phát triển của doanh nghiệp là điều các doanh nghiệp hội viên HANSIBA cùng mong muốn. Việc NHNN tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại giảm mạnh cả lãi suất huy động và cho vay với doanh nghiệp trong lúc còn khó khăn là điều vô cùng cần thiết. Thể hiện cụ thể mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp. Để ngành công nghiệp hỗ trợ có “dòng máu tốt”, tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất – kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm với đối tác, cùng “qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai”.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Vân phân tích, trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức hơn 20 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2022. Thủ đô Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với ước đạt hơn 2,5 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) với chủ đầu tư là Tập đoàn N&G Group - đơn vị sáng lập và điều hành HANSIBA - tổ chức Hiệp hội quy tụ hàng trăm công ty, doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, lĩnh vực CNHT đầu tiên trên địa bàn cả nước đã tiếp đón, làm việc và triển khai hợp tác cụ thể với nhiều “ông lớn” FDI toàn cầu. 

Ông Nguyễn Vân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, rõ nét vào việc phát triển kinh tế - xã hội trong suốt mấy chục năm qua khi đất nước vững bước trên hành trình Đổi mới. Điều này là kết quả ngọt ngào và tất yếu khi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước đồng hành, hỗ trợ và kiến tạo bằng những quyết sách lớn. Cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ban hành. Tiếp đó, tại Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Điều 51 Khoản 1 của Hiến pháp ghi rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Đó là “cú hích” có sức nặng pháp lý cơ bản, quan trọng và xuyên suốt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển. 

Ông Nguyễn Vân nhấn mạnh, với “tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của đất nước như ngày nay, với thị trường có độ mở lớn của Việt Nam, cùng sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ, Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp “phục hồi” sau đại dịch COVID-19 và khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại quốc tế. Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội, bản lĩnh, niềm tin để chiếm lĩnh thị phần lớn trong nước còn bỏ ngỏ, tiến tới tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Qua đó, đóng góp sớm đưa đất nước trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển cao theo đúng hướng chỉ đạo quan trọng này. Trong các hoạt động từ ngày thành lập HANSIBA thường xuyên thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua sự hợp tác với các đối tác quốc tế có nền công nghiệp phát triển, có chuỗi sản xuất toàn cầu với nền công nghệ cao gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Đây là chìa khóa, giấy thông hành để các doanh nghiệp thành viên phát triển tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và vươn lên cùng Thủ đô và đất nước trước vận hội mới, trong nhiệm vụ chung đưa Tổ quốc Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Có thể thấy, ngày 10/10/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; đó là “kim chỉ nam”, là “kinh thư” vô giá để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững tin và tiến bước cùng các giai tầng xã hội chung lòng dựng xây Tổ quốc hùng cường, phát triển.

Minh Phương

Nguồn: dangcongsan.vn