Trong những năm qua, thông qua nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, huyện Đơn Dương đã xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều mô hình được bà con nhân rộng, điển hình như: Mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; Mô hình ứng dụng công nghệ IOT trong nông nghiệp; Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giải pháp quản lý tưới tiết kiệm nước trên cây rau, giúp người sản xuất tiết kiệm được chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; Mô hình trồng hoa cát tường ngoài trời; mô hình trồng cây củ năng tập trung tại xã Próh với 350ha…
Đặc biệt, mô hình trồng bí Nhật trên đất lúa một vụ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, cho thu nhập gấp 3 - 6 lần trồng lúa. Với diện tích 24ha năm 2018, đến nay diện tích trồng bí Nhật tăng lên trên 200ha, tập trung tại các xã vùng DTTS như Tu Tra, Ka Đơn và Próh...
Huyện Đơn Dương hiện có trên 24.500 hộ dân, với gần 113 ngàn nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm trên 31% dân số toàn huyện. Nhiều năm qua, bà con DTTS nơi đây áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm, góp phần đưa vùng đồng bào DTTS ở Đơn Dương không còn hộ nghèo, chỉ còn 115 hộ cận nghèo.
Việc chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao giúp bà con vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế bền vững. Thông qua đó, người dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động trong nông nghiệp. Việc ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến như: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt làm giảm lượng nước và tiết kiệm 40 - 50% lượng nước tưới khi vào vụ, tăng thu nhập cho người nông dân trong quá trình sản xuất. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống người dân vùng DTTS trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ DTTS vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
Anh Ya Than, dân tộc Cơ Ho, ở thôn K’Rái 1, xã Ka Đơn chia sẻ: “Gia đình mình có trên 3ha trồng rau thương phẩm, trong đó có 2,4ha làm bằng nhà lưới. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rau theo hướng công nghệ cao, nên năng suất và chất lượng nông sản đảm bảo. Gia đình mình trồng nhiều loại rau thương phẩm khác nhau như xà lách, cà chua, ớt chuông, đậu leo, bí Nhật… nên thời điểm nào cũng có sản phẩm thu hoạch. Bình quân mỗi một năm, gia đình thu về từ trồng rau thương phẩm khoảng 1 tỷ đồng, đã trừ chi phí”.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao trong vùng đồng bào DTTS ở Đơn Dương vẫn còn gặp một số khó khăn về nguồn vốn đầu tư ban đầu như làm nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động,… Hơn nữa, để phát triển và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực am hiểu về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Một cái khó nữa là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, ông Ka Sung, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Đơn Dương cho biết: “Thời gian tới, huyện Đơn Dương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tham quan trao đổi, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt cũng như chăn nuôi. Tập trung chuyển giao những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất cho nông dân. Từng bước thay đổi nhận thức người dân về sản xuất truyền thống, cá thể sang sản xuất hiện đại, tập thể. Tranh thủ các nguồn lực, các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người dân trong vùng đồng bào DTTS tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất thuận lợi...”.