Hải Hà là vùng trồng chè tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với gần 1.000ha. Để cây chè phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện Hải Hà đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ liên kết giữa các hộ trồng chè và chủ các cơ sở chế biến chè gắn với mô hình kinh tế tập thể.
 
Từ 2 mô hình liên kết đầu tiên được thành lập năm 2018 tại xã Quảng Thành và xã Quảng Minh, đến nay toàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) và 16 tổ hợp tác với trên 200 hộ tham gia. Các HTX, tổ hợp tác hiện đang quản lý khoảng 40ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm ha trồng theo hướng VietGAP…
Hình ảnh: Đồng hành cùng các mô hình kinh tế tập thể số 1
Các hộ dân trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà đang có sự liên kết chặt chẽ. (Ảnh: HN).
Với việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hoạt động sản xuất chè ở Hải Hà đã được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng tầm thương hiệu chè Hải Hà. Đến nay, thị trường tiêu thụ chè Hải Hà đã được mở rộng sang Nga, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ...
 
Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà cho biết: “Tham gia trong tổ hợp tác liên kết sản xuất, mỗi người mỗi việc. Chè sản xuất ra bảo đảm chất lượng nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đời sống, thu nhập của gia đình tôi và các hộ khác trong tổ hợp tác cũng được nâng lên. Mọi người yên tâm gắn bó với cây chè hơn”.
 
Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng huyện Hải Hà mà tại hầu hết các địa phương khác ở Quảng Ninh, các cấp Hội Nông dân đã thường xuyên đồng hành, tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ những mô hình kinh tế tập thể. Trước hết là chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết, hợp tác, mở rộng quy mô. Cùng với đó là các hoạt động tư vấn, dịch vụ, đào tạo nghề hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác cũng được thực hiện thường xuyên, phù hợp, hiệu quả.
 
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2022, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức được gần 960 lớp tập huấn, chuyển giao, giới thiệu khoa học kỹ thuật cho các hội viên, nông dân; mở 446 lớp đào tạo nghề cho trên 9.200 lao động nông thôn; tổ chức đưa 679 sản phẩm nông nghiệp của các HTX, tổ hợp tác đi giới thiệu và tiêu thụ tại các hội chợ, festival trong và ngoài tỉnh; kết nối và đưa 242 sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.
 
Để các mô hình kinh tế tập thể có điều kiện phát triển, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh còn chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh hỗ trợ vốn thông qua vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các kênh tín dụng ngân hàng. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30.000 hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất gắn với hình thành chuỗi liên kết. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, Hội Nông dân các cấp đã tư vấn, hỗ trợ thành lập 117 HTX và 70 tổ hợp tác, nâng tổng số HTX, tổ hợp tác toàn tỉnh lên gần 800.
 
Các mô hình kinh tế tập thể do tổ chức Hội Nông dân tư vấn, hỗ trợ nhìn chung đều hoạt động chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất, giúp nhau kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn… Nhiều HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo được việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.
Hình ảnh: Đồng hành cùng các mô hình kinh tế tập thể số 2
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các HTX, tổ hợp tác ở tỉnh Quảng Ninh luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng. (Ảnh: TA).
Theo đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kinh tế tập thể đang tạo ra nhiều việc làm, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, qua đó góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo. Các loại hình HTX đang dần trở thành một xu hướng trong hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh. Nhiều HTX thành lập tạo được mối liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chuyên canh, từng bước giúp xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đưa người dân vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, sản xuất bền vững. Từ đó, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần ổn định cơ cấu lao động nông thôn, gia tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả công cuộc phát triển toàn diện kinh tế xã hội địa phương. Kết quả đó có sự đóng góp quan trong của các cấp Hội Nông dân trong việc đồng hành, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể.
 
Tuy nhiên, nhìn chung các HTX, tổ hợp tác do Hội Nông dân tư vấn thành lập nói riêng và các HTX trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung còn có quy mô sản xuất nhỏ, chưa thực sự khẳng định được chất lượng sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Trình độ quản lý của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nhiều cán bộ chủ chốt HTX chỉ được đào tạo qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày. Việc gắn sản xuất với tiêu thụ ở một số mô hình chưa thường xuyên, vững chắc…
 
Để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân ở Quảng Ninh sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng. Đẩy mạnh việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của các địa phương... Qua đó, vừa góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao; vừa tạo động lực, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Phượng
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-hanh-cung-cac-mo-hinh-kinh-te-tap-the-616548.html