Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với du lịch đang phát triển mạnh ở Đồng Tháp. |
Được biết, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đúng hướng, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả được nhân rộng. Đồng thời, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin và thực hiện cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Nhìn chung, kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Đồng Tháp tăng trưởng bình quân hằng năm là 3,57%, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và nhân dân tự quản được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”.
Với phương châm: “Hợp tác, liên kết, thị trường”; lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản là con đường ngắn nhất để tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt.
Qua quá trình thực hiện, có thể khẳng định, tỉnh Đồng Tháp đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả ban đầu rất đáng phấn khởi. Lúa gạo từ lâu đã được xem như là một trong những ngành hàng có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp đã tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng, từ đó góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1 triệu đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.
Cùng với cây lúa, xoài là cây trồng được tỉnh Đồng Tháp chọn lựa là một trong những ngành hàng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình về thực hành rải vụ đã được ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ở 2 khu vực trồng xoài trọng điểm của tỉnh là TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Kết quả thực hiện rải vụ thu hoạch xoài đã khắc phục được tình trạng rớt giá, giúp nhà vườn có thu nhập tốt hơn. Từ các mô hình trên, các nhà vườn trồng xoài ở Đồng Tháp chủ động liên kết trong tiêu thụ xoài, nhiều công ty như Good life, Rồng Đỏ, Long Uyên và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các nhà vườn, sản lượng xoài được các công ty liên kết thu mua đạt sản lượng cao. Ngoài thị trường nội địa, xoài tươi còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc..., một số công ty phát triển các sản phẩm xoài chế biến dạng sấy và đông lạnh.
Ngành hàng hoa cây cảnh ở Đồng Tháp cũng nằm trong đề án tái cơ cấu. Hoa, cây cảnh Sa Đéc cũng đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, hình thành thương hiệu “Thành phố hoa Sa Đéc” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Làng hoa Sa Đéc đã hình thành được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu công nghệ sinh học, tăng cường các giống hoa mới, đồng thời xây dựng được những mô hình trồng hoa phục vụ du lịch. Đây là bước tiến quan trọng để phát triển làng hoa Sa Đéc thành thành phố 4 mùa hoa.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp, đặc biệt là nuôi thả cá tra.Từ sau khi khởi động Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng cá tra của địa phương này cũng đã có những bước chuyển tích cực. Trong đó, Đồng Tháp đã thực hiện thành công xây dựng chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến.
Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho người nuôi.
Cùng với nuôi thả cá tra, người nông dân Đồng Tháp cũng đã thành lập ra các tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm, trong đó chú trọng vào chăn nuôi vịt đàn, đây là thế mạnh của địa phương do có điều kiện tự nhiên thích hợp với nghề chăn nuôi vịt. Hiện Đồng Tháp thành lập được nhiều tổ hợp tác chăn nuôi vịt hướng trứng với tổng đàn vịt lên đến hàng trăm nghìn con. Các tổ hợp tác sản xuất có gắn kết với các doanh nghiệp thu mua trứng vịt và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi nên người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đầu vào thấp, chất lượng trứng tốt hơn nên giá thành sản phẩm tăng lên đáng kể.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, có thể khẳng định Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách, đó là việc điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay…/..