Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế, Quốc hội. Ảnh: VGP/Minh Ngọc |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do dịch COVID-19 bùng phát nên trong tháng 7, tuy vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước giảm so với tháng trước, nhưng tính chung cả 7 tháng vẫn đạt 210,8 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm 2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn lại 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, kết quả tăng 5,6% trên nền tăng cao của năm 2020 là rất tích cực, phản ánh nỗ lực, quyết tâm chính trị và tinh thần triển khai quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương vẫn còn nhiều dư địa, cần phải được tập trung đẩy mạnh hơn nữa để tạo đà cho phát triển. Bởi lẽ, vốn Trung ương quản lý đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn địa phương quản lý đạt 175,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% kế hoạch năm và chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 32 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%), 15 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 25%. Đáng lưu ý, thực hiện vốn đầu tư công có nguồn từ nước ngoài của các địa phương chỉ đạt trên 5% so với kế hoạch được giao.
Nhận xét chung về công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế, Quốc hội, cho biết, Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh đến khơi thông nguồn vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả cũng như tiến độ giải ngân. Ông Hiếu đánh giá cao việc Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công như một giải pháp ưu tiên, bệ đỡ thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn do tác động của làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 và cho rằng đây là quyết định rất đúng đắn của Chính phủ.
Tháng 7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao. Như vậy, Chính phủ không những ban hành chính sách, giải pháp mà khâu tổ chức thực hiện cũng rất quyết liệt.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: VGP/Minh Ngọc |
Dẫn lại tính toán của Tổng cục Thống kê “vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm”, chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, phân tích, trong tình hình dịch bệnh, chi tiêu của doanh nghiệp và người dân giảm, chi tiêu của Nhà nước đóng vai trò quan trọng về mặt kích cầu và lan toả. Đầu tư công tăng lên khiến cầu nói chung tăng, lan toả đến cầu của các ngành, tạo đà cho các ngành khởi động, chuyển mình trong quá trình phục hồi kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư đạt chất lượng tốt và hiệu quả cao sẽ đem lại hệ thống công trình hạ tầng, tác động đến phát triển lâu dài và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Bởi vậy, trước nhiều thách thức do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, kết quả tích cực của đầu tư công 7 tháng khẳng định vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các thành phần kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thể chế từng bước được bổ sung và hoàn thiện, vấn đề nằm ở khâu triển khai
Bên cạnh tín hiệu tích cực, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 ước đạt 38.300 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng 6 và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020 phản ánh tác động tiêu của dịch COVID-19 bùng phát đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên dự báo giải ngân vốn đầu tư công quý III sẽ không tăng như 7 tháng vì hiện nay, 61/63 tỉnh, thành phố đều có các ca lây nhiễm COVID-19, 38/63 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16. Tại nhiều địa phương, các công trường xây dựng đóng.
Bàn về giải pháp, theo ông Kiên, cần kiên trì, quyết liệt thực hiện những quyết sách quan trọng và kịp thời mà Chính phủ đã ban hành, đơn cử như Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Ngoài ra, các “nút thắt” thể chế cũng từng bước được tháo gỡ. Chính phủ đã rất quyết liệt trong công tác bổ sung, hoàn thiện thể chế về đầu tư công, như: Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng với nhiều quy định rõ rằng, cụ thể hơn vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án vừa giảm thiểu những chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính; các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nghị định quy định về trình tự thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia về giám sát, đánh giá đầu tư, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong triển khai thực hiện đầu tư,…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: VGP/Minh Ngọc |
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng chính sách đã cơ bản được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, vấn đề nằm ở khâu kiểm soát, đôn đốc, triển khai theo đúng chỉ đạo, đúng quy định. Mục tiêu là từ nay đến cuối năm, đẩy nhanh tối đa tiến độ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tình hình năm nay bất lợi hơn năm ngoái. Năm 2020, đầu tư công được xác định là một “cú hích” cho nền kinh tế, nhưng năm nay, “cú hích” đã giảm lực do những tác động khách quan. Vì vậy, Chính phủ cũng cần phải cân nhắc rất nhiều về việc thực hiện các chỉ tiêu, dựa trên hai giải pháp song song, bao gồm rà soát thực thi quy định, pháp luật và xác định trách nhiệm.
Cùng quan điểm với ông Kiên, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh việc tổ chức thời gian tới cần phải triệt để hơn nữa. Khi rà soát, nếu gặp phải khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương có thể đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội theo nguyên tắc một luật sửa nhiều luật, có thể bãi bỏ hoặc kiến nghị sửa ngay “thủ tục đọng” để giải quyết “vốn đọng”.
Phân cấp, phân quyền và tăng cường thưởng-phạt
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phân cấp, phân quyền, sát thực tế hơn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đặc biệt, trong giải ngân vốn đầu tư công, phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra điểm hạn chế khi thực thi là nhiều địa phương né tránh, đùn đẩy, đề nghị Trung ương hướng dẫn lại những vấn đề đã quy định rõ, gây mất thời gian và chậm tiến độ. Bên cạnh đó, một số nơi vẫn còn "tư duy nhiệm kỳ," lợi ích nhóm, cơ chế xin-cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền hay chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.
Làm rõ thêm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Kiên, trên cơ sở đã phân cấp, phân quyền, hết quý III năm nay, Chính phủ có thể áp dụng chiến lược “cây gậy” và “củ cà rốt” đối với các bộ, ngành, địa phương. Nếu như bộ ngành, địa phương nào giải ngân vốn đầu tư công kém, Chính phủ để có thể dùng “cây gậy” là quyết định điều chuyển vốn, đồng thời với “củ cà rốt” là số vốn sẽ được chuyển sang dự án thực sự cần thiết và chứng minh được cơ hội giải ngân tốt hơn.
Cho rằng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ, các chuyên gia nhấn mạnh một trong những giải pháp căn cơ là người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công, đồng thời cần trực tiếp chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đôn đốc kịp thời tiến độ từng dự án. Từ đó, triển khai vốn đầu tư công sẽ được thúc đẩy cả về tiến độ và chất lượng, góp phần tạo ra dư địa, động lực cho tăng trưởng./.
Minh Ngọc