Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội sáng 21/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Nhưng đây cũng là phép thử năng lực quản trị đất nước, tính hợp lý của hệ thống pháp luật, trong đó có những giải pháp lớn mà chúng ta quyết tâm thực hiện. Chúng ta vẫn bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống của dân, dịch bệnh đã được kiểm soát với nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, ổn định xã hội được giữ vững, an sinh bảo đảm, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước tăng lên, nhất là sự tham gia của nhân dân trong tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Có được những kết quả này là do chúng ta đã kịp thời có giải pháp hiệu quả, Chính phủ có những giải pháp sát sao và thực tiễn, lãnh đạo điều hành đất nước có chuyển biến quyết liệt, ứng phó kịp thời với dịch bệnh như đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị đất nước.
Về nhóm giải pháp y tế, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, cả nước đã huy động sức mạnh to lớn của các lực lượng quân đội, công an, y, bác sĩ, nhanh chóng xây dựng hạ tầng y tế như bệnh viện dã chiến để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, điều trị. Lập Quỹ vaccine với sự hưởng ứng của toàn dân, mở ra chiến dịch “ngoại giao vaccine” mạnh mẽ để tìm kiếm nguồn vaccine cho đất nước, tận dụng chương trình COVAX của quốc tế… Theo đó, dự tính từ nay đến đầu 2022 chúng ta đủ vaccine tiêm cho toàn dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ nhìn thấy giải pháp về chiến lược lâu dài là nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước để có nguồn cung chủ động và dồi dào sau này.
Đối với nhóm các giải pháp về an sinh, đã hỗ trợ cho người nghèo, sinh viên, trẻ em từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động xã hội, thực hiện việc giảm giá điện, nước, giảm phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, cho vay ưu đãi, giảm lãi của hệ thống ngân hàng thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ về lao động việc làm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn Bình Định) cho rằng, chi đầu tư xây dựng cơ bản tỉ lệ giải ngân thấp. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, với những giải pháp và nhiệm vụ sát thực tế và quyết liệt.
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, thông báo liên quan đến vấn đề này; đồng thời thành lập Tổ công tác đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Về nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 đến nay, các hoạt động xây dựng cơ bản gần như đình trệ, nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng cuối năm sẽ tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành các quy định phân cấp quyết liệt hơn; đề cao trách nhiệm cá nhân để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận tổ sáng 21/10. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhìn nhận, qua Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội chia sẻ với Chính phủ và các địa phương đang căng mình chống dịch, đến nay chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh.
“Chúng ta rất xúc động với điều hành của Thủ tướng khi ông đến tận nơi dịch bệnh đang hoành hành để kiểm tra thực tế, động viên nhân dân và có những chỉ đạo quyết liệt đến tận cấp xã, phường”, đại biểu Khải bày tỏ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chương trình phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, đề cập rõ các dự báo, dự phòng. Xây dựng ngay phương án giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương như khu kinh tế trọng điểm phía nam, có cơ chế quan tâm đến lực lượng lao động, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Đồng thời, khôi phục lại các chuỗi đứt gẫy trong sản xuất, có phương án đón khách du lịch bởi đây là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.
Tuy nhiên, đại biểu Khải cũng nêu lên thực trạng vẫn còn hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” và mong Thủ tướng Chính phủ điều hành quyết liệt hơn, sớm hơn để khắc phục tình trạng này.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ dù trong bối cảnh nào cũng phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, còn các chính sách tài khoá khác có thể vận dụng linh hoạt. Do vậy, cần bình tĩnh và không nóng vội trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, không tạo tâm lý xã hội lo lắng quá mức về sự đổ vỡ của kinh tế, làm rõ dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ.Lê Sơn