Dự báo giá dầu thô trong năm 2025 dần “hạ nhiệt”
Theo dự báo mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2025 chỉ ở mức 1,54% (đạt 105,6 triệu thùng/ngày), thấp hơn mức tăng trưởng 1,76% của năm 2024 vừa qua.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như kỳ vọng và nền kinh tế thế giới còn đối mặt những bất định từ các dự định chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về phía nguồn cung, sản lượng khai thác dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng tốc trở lại khi ông Donald Trump theo đuổi quan điểm tăng sản xuất nhằm hạ giá nhiên liệu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng. Điều này sẽ buộc OPEC và các nước khai thác đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng trở lại nhằm duy trì thị phần trước sức ép từ dầu Mỹ.
Nhu cầu về các mỏ dầu khí mới được dự báo sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà thầu EPCI (tư vấn, thiết kế - mua sắm thiết bị - xây dựng, vận chuyển lắp đặt) của Việt Nam. Hầu hết các dự án thượng nguồn dầu khí trong nước gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể, hướng tới các mốc khai thác dòng dầu hoặc dòng khí đầu tiên, mang lại khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Điển hình, đầu tháng 9/2024, liên doanh và công ty con của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã được trao thầu toàn diện các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 của chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tổng giá trị gói thầu khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là những giá trị cao kỷ lục trong ít nhất 10 năm trở lại đây kể từ thời kỳ “vàng son” gần nhất của ngành dầu khí Việt Nam.
Đặc biệt, Chứng khoán MB nhận định, nếu giá dầu thô duy trì trên mức 70 USD/thùng, và các dự án thượng nguồn quốc tế được triển khai, các nhà thầu Việt Nam thậm chí có thể tham gia vào thị trường nước ngoài, tận dụng năng lực đã được chứng minh từ các dự án trước đây.
Bên cạnh đó, với sự tương đồng giữa các hợp đồng EPCI dầu khí và các hợp đồng EPCI điện gió ngoài khơi, các nhà thầu này có tiềm năng tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, mang lại cơ hội dài hạn đáng kể trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Khoan dầu khí - Chậm nhưng chắc
Gần đây, giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình tại khu vực Đông Nam Á chịu áp lực giảm mạnh, nhưng hiệu suất sử dụng vẫn ở mức cao, đạt gần 100%.
Theo Chứng khoán MB, việc này có thể do một hợp đồng mới từ nhà cung cấp giàn khoan rất cũ với chi phí thấp. Mức giá thấp cũng chỉ mang tính tham chiếu cho mức giá trung bình khu vực và không ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê ngày của các nhà thầu khoan dài hạn với đội giàn khoan hiện đại hơn như PV Drilling.
Nhiều tổ chức uy tín trong lĩnh vực dầu khí hiện duy trì quan điểm nhu cầu khoan thăm dò và khai thác tại khu vực Đông Nam Á hiện vẫn ổn định, đặc biệt là ở Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan trong giai đoạn 2025 - 2026.
Hãng nghiên cứu thị trường Riglogix nhấn mạnh nhu cầu giàn khoan của Malaysia, Indonesia đang rất lớn với trên 14 giàn khoan/năm từ nay đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu khoan từ 160 giếng/năm đến trên 175 giếng/năm.
Trong khi đó, nguồn cung giàn khoan tự nâng tăng trưởng chậm, do các giàn khoan hiện tại đang già hơn và số lượng giàn khoan mới hạn chế do lo ngại về chi phí.
Tại Việt Nam, một số chiến dịch khoan lớn sẽ được bắt đầu trong vòng 2 năm tới, gồm Lô B, Lạc Đà Vàng, Cá Tầm, và Sư Tử Trắng 2B…, mở ra triển vọng công việc lớn cho PV Drilling.
Triển vọng kinh doanh thời gian tới của PV Drilling còn được thúc đẩy bởi việc có thêm giàn khoan mới (loại đã qua sử dụng) với vốn đầu tư tối đa 90 triệu USD. Do giàn khoan này đã được coldstacked (loại bỏ thiết bị và không hoạt động trong thời gian dài), PV Drilling sẽ mất khoảng 6 - 8 tháng để cải tạo lại và dự kiến đưa vào vận hành từ quý 4/2025.
PV Drilling cũng cho biết giàn khoan này sẽ có hợp đồng khoan ngay sau khi đưa vào vận hành.