Các chuyên gia thảo luận về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh:VGP/HT.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2020, triển vọng năm 2021: Ứng phó, vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 31/3 tại Hà Nội.

Quốc gia hiếm hoi thực hiện được mục tiêu kép

Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ ngày 23/1/2020 và đã trải qua một số đợt bùng phát trên phạm vi nhiều địa phương trong cả nước, khiến nền kinh tế bị tác động một cách mạnh mẽ, nhiều chiều và lâu dài.

Trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.

Trong đó, tại Việt Nam, trong tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ba lần ban hành các Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 04/3), 15/CT-TTg (ngày 27/3) và 16/CT-TTg (ngày 31/3) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các biện pháp cấp bách phòng chống đại dịch COVID-19. Sau đó, trong tháng 4/2020, hàng loạt văn bản pháp lý khác quan trọng hơn đã được Chính phủ và Quốc hội ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua các khó khăn kinh tế. 

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được mục tiêu kép.

Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn…

“Thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước chuyển mình sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh khó khăn, các kết nối qua mạng ngày càng nhiều, không ít DN chuyển hướng kinh doanh, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để phát triển”, ông Jacques Morisset nói. Nhưng Kinh tế trưởng của WB cũng cảnh báo, COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Thu nhập nhiều hộ gia đình sụt giảm, các chương trình xã hội hiện nay vẫn không đủ bao phủ, tỉ lệ đối tượng được nhận hỗ trợ còn thấp.

PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân, thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu nêu một số đánh giá về các chính sách hỗ trợ, bao gồm cả những mặt chưa hiệu quả.

Ví dụ, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Chính sách này bị cho là chưa thật sự hiệu quả.

Về gói hỗ trợ lần một an sinh xã hội, hỗ trợ người bị giãn, mất việc, các chuyên gia cho rằng, những người được hỗ trợ đa phần là các nhóm lao động thuộc khối bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là nhóm lao động tự do, nhóm yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với khoản hỗ trợ này. Còn gói chính sách 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, thủ tục vay rất phức tạp với các điều kiện khá ngặt nghèo.

Các chuyên gia cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký và tiếp nhận hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng được hưởng hỗ trợ và tránh gây thất thoát. Trong dài hạn, Việt Nam nên xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật hằng năm các thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai (nếu có) sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng và ít tốn kém nguồn lực.

Về chính sách tiền tệ, năm 2020, NHNN đã ba lần liên tiếp điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành, đồng thời ban hành Thông tư 01 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do COVID-19.

Bên cạnh việc duy trì được tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao so với các năm trước, các điều chỉnh chính sách tiền tệ ở trên trong năm 2020 còn giúp hạ các mức lãi suất thị trường, khoảng 1,3 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động và khoảng 0,2 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay. Số lượng các doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ còn chưa như kỳ vọng và chính sách còn có nhiều bất cập trong việc thực thi bao gồm: Thủ tục phức tạp, khó chứng minh và đáp ứng các điều kiện. Do vậy, các rào cản không cần thiết cần được gỡ bỏ.

“Nhìn chung, lãi suất cho vay hiện đang giảm không tương xứng với sự giảm sút của lãi suất huy động”, TS. Tô Trung Thành đánh giá.

Hiệu chỉnh các “gói” hỗ trợ ngắn hạn và cải cách trong dài hạn

Về triển vọng kinh tế năm 2021, bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các chuyên gia vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các dự báo của các tổ chức quốc tế (như IMF, WB) đối với mức tăng trưởng của Việt Nam thậm chí còn cao hơn (IMF dự báo tăng trưởng 6,7% và WB dự báo tăng trưởng 6,8%). Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ không đơn giản trong bối cảnh diễn biến của đại dịch COVID-19 còn rất khó lường.

Trước tiên, ở cấp độ định hướng vĩ mô, TS. Tô Trung Thành cho rằng, Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ là chưa phù hợp, cần được thiết kế lại. Các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí nếu dàn trải sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Liên quan đến các công cụ của chính sách tiền tệ, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động. Số doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ tiền tệ còn hạn chế so với mục tiêu đặt ra. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, do dịch diễn biến khó lường, các các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ.

Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động. Tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết DN.

Kinh tế trưởng của WB Jacques Morisset cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không hẳn là làm bao nhiêu mà là  “phải làm  hiệu quả hơn”.

DN kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần minh bạch, dễ tiếp cận hơn, đồng thời kiểm soát tốt, chống lại tham nhũng, trục lợi chính sách.

Chuyên gia WB cũng khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam cần hết sức chú ý đến yếu tố “xanh”, chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề không khí, phát tiển năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa qua, có thể thấy rõ sự hiện diện của chuyển đổi số.

Về cơ hội chuyển mình của nền kinh tế, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Muốn làm tốt kinh tế số trước tiên phải có cơ sở dữ liệu tốt, trong khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu khá chậm so với yêu cầu.  Dù đã thành công bước đầu, bắt nhịp dần với xu thế chung nhưng ông Lực cho rằng  “Việt Nam vẫn cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hơn nữa cho kinh tế số”.

“Một số vụ việc tranh cãi vừa qua cho thấy cơ quan quản lý vừa muốn đổi mới sáng tạo, nhưng vừa lo kiểm soát rủi ro từ DN. Do đó, cần sớm tìm được điểm cân bằng tối ưu giữa các bên, đồng thời chú ý đến đào tạo nhân lực để bắt nhịp sự phát triển”, ông Cấn Văn Lực nói.

Có cùng quan điểm về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình phục hồi phát triển, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng “đây là một quá trình”.

Đảng và Nhà nước đưa ra định hướng về các quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ cần công nghệ, thị trường, thể chế mà để thành công cần có sự tham gia hiệu quả của người dân và được thụ hưởng. 

Huy Thắng

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Giai-bai-toan-ho-tro-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-trong-boi-canh-COVID19/427375.vgp