Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV- năm 2021. Ảnh: VGP/PT
Đưa ra thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV-năm 2021 diễn ra ngày 10/12, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng kinh phí khuyến công năm 2021 của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách, chương trình khuyến công địa phương được giao 75,641 tỷ đồng, đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nguồn kinh phí hạn hẹp, với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai công tác khuyến công cấp Trung ương và các địa phương, công tác khuyến công năm 2021 vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận. Kết quả, 739 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 3.000 đối tượng được đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp.

Năm 2021, Cục Công thương địa phương cũng đã tổ chức thành công kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biếu cấp quốc gia với 200 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt và được trao giấy chứng nhận.

"Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài nhưng sản xuất công nghiệp nông thôn vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng, quy mô sản xuất công nghiệp tại các địa phương liên tục được mở rộng", ông Ngô Quang Trung cho biết.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn của TP. Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ khá toàn diện từ sản xuất, tìm thị trường đến xây dựng thương hiệu… từ công tác khuyến công.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công, bà Lan đề xuất: Cần phân định rõ chức năng quản lý ngành nghề nông thôn giữa ngành công thương và ngành nông nghiệp để tránh chồng chéo, thuận lợi triển khai hoạt động hỗ trợ và tăng tính trách nhiệm cho các cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Công Thương làm đầu mối số hóa cho tiểu thủ công nghiệp - làng nghề để có sự kết nối quản lý và triển khai hoạt động hỗ trợ hiệu quả.

Tương tự, Nghệ An cũng là một điểm sáng với kết quả chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh năm 2021 dự kiến tăng 16% so với năm 2020, đạt 103,12% kế hoạch. Trong thành tích này có sự góp sức không nhỏ của công tác khuyến công với 47 đề án được triển khai và hoàn thành trong năm vừa qua đã giúp các doanh nghiệp của Nghệ An đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định được vị trí trên thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020. Ảnh: VGP
Ghi nhận những đóng góp của công tác khuyến công trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn ở mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

"Hơn nữa, do tác động của dịch bệnh, hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm thu nhập. Những cuộc di chuyển lớn của người dân về quê thời gian gần đây được nhìn nhận như một bài toán trong chương trình phục hồi kinh tế. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là cần có giải pháp tích cực tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngay tại khu vực nông thôn. Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu tăng tỉ trọng hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sử dụng nhiều lao động ở vùng nông thôn để giúp người lao động "ly nông, bất ly hương", ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu.

Trong năm 2022, nhiệm vụ đề ra cho các đơn vị quản lý thực hiện công tác khuyến công là chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh, có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp khác; tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích và áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, giải pháp kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp.

“Cho dù nguồn kinh phí hỗ trợ có eo hẹp nhưng với cách làm phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động, chúng ta vẫn có thể phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Phan Trang
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Giai-phap-giup-nguoi-lao-dong-ly-nong-bat-ly-huong-sau-dai-dich/455701.vgp