Anh Cứ A Nếnh được cha truyền dạy lại nghề rèn truyền thống của dân tộc mình
Anh Cứ A Nếnh được cha truyền dạy lại nghề rèn truyền thống của dân tộc mình. (Ảnh: An Chi)

Nghề truyền thống riêng có

Xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) hiện nay có 3 bản người Mông sinh sống. Nhiều gia đình người Mông ở đây vẫn duy trì nghề rèn truyền thống, vừa để sử dụng, vừa cung cấp ra thị trường, với những sản phẩm phong phú, đa dạng như: dao, liềm, thuổng... Các sản phẩm này được thực hiện thủ công, từ khâu cắt sắt thép, tạo hình, quai búa, làm tay cầm…

Có cha là nghệ nhân Cứ Văn Lộng, ngay từ bé, anh Cứ A Nếnh, Bí thư Chi bộ bản Lọng Háy (xã Mường Phăng) đã quen với tiếng búa, tiếng đe và lò rèn đỏ lửa. Những con dao do anh rèn giờ đã bắt kịp với kỹ thuật rèn của người cha, người thầy.

Anh Nếnh cho biết, nghề rèn của người Mông xưa kia, chủ yếu tồn tại theo hình thức cha truyền con nối. Trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Các sản phẩm rèn của người Mông vẫn nổi tiếng với độ bền, độ tinh xảo riêng có.

Theo anh Nếnh, sự khác biệt trong cách rèn dụng cụ của người Mông với các dân tộc khác và cũng là bí quyết trong nghề rèn của người Mông, đó là cách tôi luyện với từng công cụ, làm sao để vừa có độ bền, vừa sắc bén. Để làm ra được một sản phẩm tốt, những nghệ nhân nghề rèn truyền thống dân tộc Mông phải thực hiện nhiều bước, từ chuẩn bị và lấy nguyên liệu đến cắt sắt, thép, sau đó rèn công cụ, tôi, mài, tra cán. 

Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ cần đắp một ụ đất hoặc kê hai hàng gạch để có thể đốt than, cùng với bễ thổi gió, búa, kìm kẹp sắt, đá mài, đe sắt, chậu đựng nước, thân cây chuối tươi mới chặt, than hoa...

Đến thăm gia đình ông Cứ A Khua, một nghệ nhân nghề rèn truyền thống ở xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) được chứng kiến ông rèn dao. Miếng sắt nung đỏ rực dần thành hình sau những tiếng búa đập vang vọng cả một góc vườn.

Chia sẻ về nghề truyền thống của dân tộc mình, ông Khua cho hay, người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng, mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt của dao thì chỉ rèn một lần. 

Do đó, khâu tôi công cụ là quan trọng nhất, đây là công đoạn đánh giá chất lượng dao và tay nghề của người thợ, cũng được coi là bí quyết làm nên sự khác biệt về chất lượng sản phẩm nghề rèn của người Mông, với các sản phẩm nghề rèn của các dân tộc khác. Đó là, người Mông thường tôi bằng nước muối, bằng dầu nhớt hoặc bằng thân cây chuối tươi. Sau khi đã tôi xong, người Mông sẽ mài hoàn thiện và tra cán cho công cụ mình tạo ra.

Các sản phẩm rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông rất phong phú và được nhiều người biết như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng... (Ảnh: An Chi)
Các sản phẩm rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông rất phong phú và được nhiều người biết như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng... (Ảnh: An Chi)

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống

Anh Cứ A Nếnh cho hay, do tập quán cộng với sự cầu kỳ, cẩn trọng trong nghề rèn, thêm vào đó là giá thành của mỗi sản phẩm rèn của người Mông lại cao so với các sản phẩm cùng loại, nên sản phẩm nông cụ của người Mông chưa thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Chính điều này đã khiến nghề rèn truyền thống của người Mông đang có nguy cơ bị mai một, có nhiều thợ rèn giỏi đã chuyển sang sử dụng công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại.

Cùng với đó, những bí quyết của nghề rèn, người Mông chỉ truyền lại cho con cháu, không truyền cho người ngoài, nên khi các nghệ nhân không còn, người kế nghiệp không mặn mà với cái nghề cực nhọc này thì việc mai một là điều dễ hiểu.

Để bảo tồn và phát huy nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông, chính quyền địa phương và những nghệ nhân thời gian qua đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống này. Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Điện Biên Phủ đã phối hợp với UBND xã Mường Phăng tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông tại bản Lọng Háy.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết, xác định nhiệm vụ quan trọng là việc giữ gìn và phát huy nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông, xã đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức lớp học rèn cho 15 học viên, do các nghệ nhân nghề rèn xã Mường Phăng truyền dạy các công đoạn để làm dao, liềm, thuổng... Kết thúc lớp tập huấn, 100% học viên đã hoàn thành và đạt yêu cầu kế hoạch lớp học đề ra.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho hay, nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông là di sản cần bảo tồn. Do đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy vai trò nòng cốt của những người am hiểu và thực hành di sản; đồng thời, động viên, khích lệ họ tiếp tục trao truyền những phong tục, tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ...

Theo ông Nguyễn Minh Phú, việc nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023, là niềm vinh dự và động lực để mỗi người con của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên thêm yêu quý, trân trọng nghề truyền thống được các thế hệ cha ông lưu giữ.

Tây Ninh: Tôn vinh, quảng bá nghề làm bánh tráng phơi sương
Theo https://baodantoc.vn/giu-lua-cho-nghe-ren-cua-dan-toc-mong-o-dien-bien-1724668745096.htm