Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 4/1, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chiều 4/1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh: “Chính phủ trình Đề án về cơ chế tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã thể hiện quyết sách của cả hệ thống chính trị, xuất phát từ đòi hỏi bức thiết, yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, trong bối cảnh rất khó khăn, giống như cơ thể con người ta đang rất yếu thì cần phải có những liều thuốc mạnh, phải đủ và phải đúng để vực dậy nền kinh tế và phát triển cho giai đoạn tiếp theo nhằm đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng và các Nghị quyết quan trọng về kinh tế-xã hội đặt ra cho cả nhiệm kỳ”.
Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, đây là quyết định của cả hệ thống, xuất phát từ cơ sở chính trị là nghị quyết của Đảng, nghị quyết của các hội nghị Trung ương vừa qua, từ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là vai trò chủ động, sáng tạo của Chính phủ cũng như sự đồng hành của Quốc hội. Đến nay, “chúng ta đã ra được ‘hình hài’ của một gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói hỗ trợ này mang tính chất quyết định, rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”.
Đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, “chúng ta đã dành một nguồn lực rất lớn cho cả hai năm 2020 và 2021, vì vậy nếu không có sự quyết liệt về mặt cơ chế liên quan đến tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực bảo đảm cho quá trình phục hồi. Xuất phát từ yêu cầu đó và trên cơ sở đánh giá thực tiễn, tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Chính phủ vì rất khó khi thu xếp một nguồn tiền lớn, mà có thể nói trong lịch sử từ trước đến nay chưa từng có, trong khoảng thời gian rất ngắn”.
Đại biểu Quốc hội phân tích: “Chính phủ đã trình Quốc hội một đề án có tính chất, quy mô rất toàn diện. Tuy nhiên để đánh giá sâu thêm, còn nhiều điều để chúng ta tiếp tục hoàn thiện như về tính cân đối của các nội dung hỗ trợ, quan trọng nhất là các giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của các gói hỗ trợ”. Tính khả thi và tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu khi chúng ta đưa ra các gói hỗ trợ.
Việc Chính phủ trình đề án hỗ trợ tài khóa, tiền tệ này không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của Chính phủ mà còn là một “phép thử”. Đây cũng là sự thử thách rất lớn đối với Chính phủ trong triển khai, ông An nhận định và cho rằng chắc chắn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã lường trước được và đã có sự chuẩn bị. Quốc hội sẽ đánh giá, có sự lưu ý để quá trình triển khai được đúng, đủ và hiệu quả, tránh vi phạm, lãng phí.
Vấn đề an sinh xã hội có phạm vi rất rộng, theo Đại biểu An, để triển khai đến từng người, từng đối tượng thì áp lực cho Chính phủ sẽ rất lớn. “Không phải là câu chuyện sau khi thông qua đã là thành công. Quốc hội thông qua mới chỉ là bước đầu, sau đó sẽ còn cả một quá trình”, ông An nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng bày tỏ ủng hộ các chính sách đặc thù mà Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua trong thực hiện chương trình hỗ trợ. “Những đặc thù này là cần thiết. Khi triển khai những nhiệm vụ cấp bách thì chắc chắn phải có những nội dung đặc thù”.
Hải Liên