* Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội
Vành đai 4 - thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô
Sáng 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì Hội thảo trực tuyến "Tham gia ý kiến với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố là thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng với những dự án có ý nghĩa chính trị quan trọng như cao tốc Bắc Nam phía Đông, Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ thể hiện sự cấp thiết, cấp bách, mà còn thể hiện rõ cơ sở pháp lý chính trị trong tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17.
Hà Nội với vị thế là Thủ đô, đồng thời là hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn có khát vọng và trăn trở để tìm ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Điều đó thể hiện rất rõ tại một trong ba khâu đột phá được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17: "Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, ... Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô ..."
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ Vùng Thủ đô. Qua đó, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng. Khi có tuyến đường Vành đai 4, sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến; góp phần phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.
Vốn giải phóng mặt bằng khoảng 19.600 tỷ đồng
Đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, theo tiến trình năm 2020 phải hoàn thành. Tuy nhiên đến nay mới là các dự án nhỏ lẻ đề xuất theo hình thức PPP nhưng đều chưa triển khai. Đến nay, nhu cầu cấp thiết cần xây dựng đường Vành đai 4 để giảm thiểu ách tắc giao thông, tạo không gian phát triển cho Hà Nội và một số địa phương.
Trước đó, TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã thống nhất đưa tuyến Vành đai 4 đi theo tuyến trên cao 100% vừa phát triển giao thông, vừa phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, hiện nay TEDI đã đề xuất 1 số điểm đi thấp vừa giảm kinh phí đầu tư, vừa bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả như tại Hà Nội, Bắc Ninh và KCN Phố Nối (Hưng Yên)… có thể phát triển quỹ đất hai bên đường.
Riêng về giải phóng mặt bằng, TEDI đã làm việc với các địa phương để thống nhất chi tiết từng quỹ đất cần giải phóng mặt bằng (đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất khác), theo đó Hà Nội có khoảng 740 ha, Bắc Ninh 328 ha… cần giải phóng mặt bằng.
"Sau khi rà soát, vốn giải phóng mặt bằng còn 19.600 tỷ, giảm gần 5.000 tỷ so với tính toán ban đầu", đại diện TEDI cho biết.
Về phương án đầu tư, dự án theo hình thức đầu tư hỗn hợp đầu tư công đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư được chia tách thành 7 dự án thành phần. Trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và địa phương. Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tắc công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch liên quan đến mạng lưới đường bộ và đường sắt liên quan. Trong đó vành đai 4 là cao tốc liên vùng, liên kết Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, kề cận với Bắc Giang, Vĩnh Phúc liên quan đường trục khu vực.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đề nghị các đại biểu thảo luận về sự cần thiết của đầu tư; quan điểm nghiên cứu dự án đầu tư; quy hoạch, hướng tuyến, yếu tỗ kỹ thuật, quy mô tuyến đường, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, cầu vượt sông; cơ sở tính tuấn tổng mức đầu tư, phân cấp, phân kỳ đầu tư; phân định 3 hợp phần cơ bản có tính chất độc lập. Về giải phóng mặt bằng tách riêng; hình thành 2 trục đô thị song hành do tổ hợp Vành đai 4 có 2 hệ thống song hành trên cao và dưới thấp cho phép phát triển không gian đô thị đồng bộ; dự án cốt lõi về áp dụng hình thức công tư đầu tư…
Cần chú ý kiểm soát quy hoạch toàn tuyến, kết nối sân bay thứ 2
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tương đối công phu, có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo sát sao của TP. Hà Nội, đã làm rõ sự cần thiết của đầu tư tuyến đường.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng đối với dự án cần quan tâm đến giải quyết bài toán về quy mô kỹ thuật. Các con số dự báo như về lượng xe cần phải sát với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nếu không làm xong đường thì đã chậm hơn so với tốc độ phát triển. Vì vậy đề nghị cơ quan nghiên cứu kỹ hơn dự báo nhu cầu phát triển cũng như lưu lượng xe để làm cơ sở dự báo cho quy mô và phân kỳ đầu tư của dự án. Bên cạnh đó, quan tâm đến trang thiết bị đi theo đường cao tốc vì điều này sẽ ảnh hưởng tổng mức đầu tư của dự án.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Dự án Vành đai 4 là cao tốc trong đô thị, cho nên yếu tố về quy hoạch cảnh quan hết sức quan trọng. Đây là công trình tồn tại hàng trăm năm, nên vai trò của nó là tôn lên vẻ đẹp đô thị, hài hòa với các kiến trúc công trình đô thị khác. Vì vậy, PTS.TS Trần Chủng đề nghị cần quan tâm đến quy hoạch tổng thể về mỹ học của dự án để đảm bảo hài hòa, bền vững đối với sự phát triển đô thị.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Chủng cũng kiến nghị thành lập 2-3 dự án thành phần theo các địa bàn địa phương quản lý để khi triển khai dự án nếu có xung đột, nhất là về vấn đề giải phóng mặt bằng thì có thể nhanh chóng giải quyết.
PGS. TS Tống Trần Tùng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải) nêu ý kiến về việc nút giao với sân bay thứ 2 của Thủ đô chưa được nêu trong báo cáo tiền khả thi. Kiến nghị về số lượng nút giao của dự án tại phía Nam còn ít và cần rút kinh nghiệm từ nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ. Bên cạnh đó cần quan tâm mật độ xây dựng, mật độ dân số quanh vành đai 4 và cần có chỉ tiêu ngay từ đầu bởi nếu xây dựng chằng chịt sẽ không còn khái niệm cảnh quan của cả tuyến đường.
Còn theo PGS. TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam nên tiến hành phương án đi theo đường trên cao để giải quyết xung đột giao thông nội vùng.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam thống nhất với đề xuất cần thiết đầu tư của dự án tiền khả thi được TEDI nêu tại hội thảo, thống nhất với đề xuất chia làm 3 dự án thành phần. Bà Duyên nêu cần cân nhắc về tiến độ thực hiện dự án, bởi với khối lượng đồ sộ của công trình và các thủ tục cần triển khai việc đặt mục tiêu 2027 hoàn thành sẽ cần chi tiết tiến độ thực hiện để hoàn thành đúng hạn.
Những ý kiến tham gia tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Hà Nội báo cáo Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Gia Huy