Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá do thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. (Ảnh: Hữu Phước)
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, do đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ; Về phát triển doanh nghiệp: có 111 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn 1.417,9 tỷ đồng. Lũy kế, có 724 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; giá trị giải ngân vốn đấu tư công đạt 62,44% kế hoạch HĐND tỉnh giao, thấp hơn 6,24% so với cùng kỳ, giải ngân theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 74,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 5,7% và cao hơn 17,54% so với giải ngân của cả nước (cả nước giải ngân 56,84%).
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác giảm 0,74% so với tháng trước và tăng 25,77% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước được 959,115 tỷ đồng, lũy kế được 12.169 tỷ đồng, đạt 113,72% dự toán Trung ương, đạt 84,04% dự toán HĐND tỉnh giao….
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá do thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, sạt lở, tìm kiếm cứu nạn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm tra sạt lở tại các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tổ chức thành công Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023, Đại hội Thể thao khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX - Hậu Giang năm 2023. Lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo, có nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch.
Các sản phẩm du lịch trên địa bàn đã được đầu tư mới, số lượt khách đến Hậu Giang tham quan và tổng doanh thu từ du lịch gần đạt kế hoạch năm 2023. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những mặt được, tỉnh Hậu Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế: Tình hình mưa to kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất trên lúa và cây ăn trái tại một số địa phương và ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Tổng doanh thu bán lẻ và các ngành dịch vụ khác giảm nhẹ so với tháng trước do doanh thu hoạt động các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (trừ du lịch lữ hành) và một số ngành dịch vụ tiêu dùng khác có mức doanh thu giảm lần lượt 1,64% và 7,88% so với tháng trước…
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tập trung Tỉnh Hậu Giang xác định 4 trụ cột kinh tế để phát triển đột phá, đó là: Công nghiệp hiện đại; Nông nghiệp sinh thái; Đô thị thông minh; Du lịch chất lượng. Do đó, tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển 4 trụ cột kinh tế đã đề ra, tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo động lực cho phát triển. Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công, chuyển đổi số. Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn với cam kết "2 nhanh, 3 tốt" đó là "Giải phóng mặt bằng nhanh, Thủ tục đầu tư nhanh" và "Cơ hội tốt, Chính sách tốt, Hạ tầng tốt"; đồng thời, thực hiện chuyển tư duy từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ" người dân và doanh nghiệp./.
Phú Đức
Nguồn: dangcongsan.vn