Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Với sự tham gia của 15 thành viên, ước tính chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và là khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản, các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thực phẩm của thị trường thành viên RCEP, ngày 8/6/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường thành viên RCEP (Australia, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP.
Phiên tư vấn được tổ chức tại tỉnh Bình Dương với sự tham gia hỗ trợ của Sở Công Thương Bình Dương theo hình thức trực tiếp, đồng thời phát trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tại phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, bà Trần Lê Dung, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ thông tin tổng quan thị trường nông sản, thực phẩm tại các nước này, vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Australia, Indonesia và Malaysia. Bên cạnh đó, ông Tiền Triệu Cương, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cũng sẽ chia sẻ một số điều cần biết khi kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm với thị trường Trung Quốc.
Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu
Hiệp định RCEP đang tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế đang trên đà phát triển, nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Bên cạnh đó, một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)…, nên phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Trung Quốc đã phục hồi tương đối nhanh (so với các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ), ý nghĩa của RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam càng quan trọng hơn.
Vì vậy, để tận dụng cơ hội nhằm tăng cường xuất khẩu sang RCEP thì việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường.
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP nằm trong chuỗi "Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022 với tổng cộng 30 phiên tư vấn.
Các phiên tư vấn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất-nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do COVID-19 và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.
LP