Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel (KCN Lương Sơn) SX-KD hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh
Với mục tiêu đẩy mạnh hội nhập kinh tế (HNKT), cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững, những năm qua, công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hoà Bình được chú trọng thực hiện, qua đó góp phần thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư kinh doanh.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên địa bàn liên quan đến Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các văn bản quan trọng liên quan tới công tác đối ngoại, đồng thời, đã ban hành đề án, kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho DN; tổ chức các chương trình, hội nghị hỗ trợ pháp lý, tập trung vào các nội dung của Luật Đầu tư, Luật DN (sửa đổi); xây dựng hệ thống thông tin, cử cán bộ đầu mối thực hiện hỗ trợ pháp lý và thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện hỗ trợ, tư vấn về pháp luật trong kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế và khu vực có ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập quốc tế, quan hệ đối ngoại của tỉnh, đặc biệt việc nắm bắt xu hướng hợp tác quốc tế, chính sách hợp tác quốc tế của đối tác chiến lược như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và một số nước châu Âu để có định hướng, kế hoạch, lựa chọn đối tác triển khai phù hợp.

Công ty CP COASIA.CM.VINA (KCN Lương Sơn) được biết đến là một trong những DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả của tỉnh. Dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất-kinh doanh.

Ông Lee Oi Bok, Giám đốc Điều hành Công ty chia sẻ: “Trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, DN đã nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền tỉnh, huyện Lương Sơn và các ban, ngành chức năng. Ngoài sự chủ động của DN, chúng tôi đã được hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình trong việc xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống dịch để sản xuất an toàn, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép”. Công ty cũng được cung cấp thông tin về tác động của các hiệp định thương mại tự do, giúp tận dụng được những cơ hội ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kinh doanh hiệu quả. Hiện, công ty giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.

Có thể thấy, việc HNKT một cách chủ động, sâu rộng và toàn diện tạo ra cơ hội và sức bật cho phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, từng bước cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh định kỳ tổ chức gặp mặt DN, HTX, hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư; tổ chức nhiều cuộc làm việc với nhà đầu tư thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn, sớm đưa dự án đi vào sản xuất-kinh doanh.

Công ty TNHH Dệt kim Hòa Bình Koyuseni tại Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP. Hòa Bình), tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động địa phương

Đồng thời, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sự bình đẳng, tạo thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích, dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, ít tác động tiêu cực đến môi trường. Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 49 DN hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó, 26 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, UBND tỉnh đã chỉ đạo chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 28,5%/năm. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 578,879 triệu USD, tăng 29,64% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 104,981 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh (hơn 80%). Trong đó, nhóm hàng điện tử, dệt may đóng góp chính vào tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản có tăng trưởng trong thị phần về mặt hàng xuất khẩu, song còn ít, chủ yếu tập chung vào mặt hàng chế biến lâm sản. Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Ngoài ra, các DN đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do như các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU và thị trường Canada, Ấn Độ...

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xác định là một trong những giải pháp chủ yếu cần tập trung đẩy mạnh nhằm thúc đẩy thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, tạo đà phát triển KT-XH. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ đạo: Cần khẩn trương hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất… Trong đó, phải xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển…

Trước đó, nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình Chu Văn Thắng cho biết, tỉnh thu hút được 56 dự án đầu tư, trong đó có 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 44 dự án đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh lên 99 dự án. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, T&T Group, Phú Mỹ Hưng,… nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như đô thị sinh thái, du lịch, công nghiệp của tỉnh.

Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh và giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động (đạt tỷ lệ bình quân 1.298 người/năm). Phát huy kết quả đạt được, Ban Quản lý đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp; tạo hạ tầng sạch để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực; hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh.

PV
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Hoa-Binh-Cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-mo-cua-hoi-nhap-kinh-te/442057.vgp