Nhà máy may chi nhánh Tân Lạc của Tập đoàn Hồ Gươm, một DNNVV ở Hoà Bình đi vào sản xuất-kinh doanh, giúp giải quyết việc làm ổn định cho 200 lao động |
Trên cơ sở các chính sách ưu đãi về thuế tại tỉnh Hòa Bình, việc xem xét, cho phép gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND là cơ sở để thu hút cộng đồng doanh nhân trẻ từ các tỉnh khác đến lựa chọn tỉnh Hòa Bình để đầu tư và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, tỉnh còn tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, từ đó tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện đối thoại trực tuyến để chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai và các thủ tục khác có liên quan cho nhà đầu tư, đồng thời đôn đốc, xử lý nghiêm các nhà đầu tư chậm triển khai, vi phạm luật đầu tư, luật đất đai.
Tỉnh Hoà Bình đã tích cực huy động nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội để ứng phó với dịch COVID-19. Rà soát, đánh giá tình hình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.
Hoà Bình cũng là một trong số những địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao; không tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó, tỉnh cũng đã tập trung cải cách hành chính một cách thực chất hơn nữa, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm bớt thời gian giải quyết thủ tục; thực hiện tốt quy định “4 tại chỗ”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Công ty CP tre gỗ Hải Hiền (KCN Mông Hóa, TP. Hoà Bình) - một DNNVV giúp giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, góp phần vào nguồn thu xuất nhập khẩu của tỉnh Hoà Bình |
Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Như đã đề cập ở trên, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hoà Bình khóa XVII đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ là sự cụ thể hóa và triển khai thực hiện Điều 25, Luật Hỗ trợ DNNVV; thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập có chiều hướng gia tăng. Năm 2020, có 365 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 12.672 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 3.770 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 47.003 tỷ đồng. Trong đó, có 3.527 DNNVV, chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 31.486 tỷ đồng.
Đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được hưởng lợi từ các chương trình, đề án của Trung ương và tỉnh. Được biết, trong năm 2021, chương trình khuyến công quốc gia tiếp tục giúp một số doanh nghiệp được thụ hưởng các đề án về: "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”; "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp”; "Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước”, qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, sức trạnh cạnh tranh và quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thị trường.
Song song với việc hỗ trợ DNNVV về đăng ký doanh nghiệp, tư vấn hướng dẫn các thủ tục, chính sách về thuế, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ về công nghệ thông qua việc hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất cơ bản; đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...
Những hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp có niềm tin lớn về các chính sách của tỉnh; thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nhân. Theo số liệu báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Hoà Bình, đến năm 2020, tổng doanh thu của DNNVV trong tỉnh ước đạt 49.598 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng.
H.Phương