Hoà Bình tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm |
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021, theo đánh giá, có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Thu NSNN ở mức khá, tăng 44% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu sắc thuế đạt mức cao. Riêng chỉ có thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, bằng 20% dự toán TTCP giao và bằng 17% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, cùng với sự nỗ lực triển khai thực hiện của các ngành, các cấp, sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách trong giải quyết các vướng mắc liên quan đến thu tiền sử dụng đất, dự kiến, thu, chi ngân sách cả năm 2021 sẽ đạt 100% kế hoạch được giao tại Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Hoà Bình hóa XVI, Kỳ họp thứ 18.
Tờ trình về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021 tỉnh Hòa Bình nêu rõ: Với việc số liệu năm gốc 2020 có sự thay đổi nên việc điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đặc biệt là một số chỉ tiêu kinh tế liên quan đến số liệu GRDP để bảo đảm tính khả thi là cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng tiếp tục phải chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19.
Hoà Bình điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh |
Các nội dung điều chỉnh như sau: GRDP bình quân đầu người 65,6 triệu đồng/người (số đã giao tại NQ số 331 là 69,7 triệu đồng/người); tổng đầu tư toàn xã hội là 18.230 tỷ đồng (số đã giao tại Nghị quyết số 331/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 tỉnh Hoà Bình là 19.390 tỷ đồng), tăng 3,2% so với thực hiện năm 2020 và bằng khoẳng 32% GRDP theo giá hiện hành; năng suất lao động đạt 102,3 triệu đồng/lao động (số đã giao tại NQ số 331 là 108,8 triệu đồng/lao động).
Trước đó, trong báo cáo được trình bày tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, Đại hội xác định mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Hòa Bình đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch-dịch vụ, công nghiệp; ngoài ra, tỉnh đang là tâm điểm mà các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới. Đặc biệt, tỉnh đã và đang xây dựng đội ngũ đồng thuận, trách nhiệm với tư duy, khát vọng đổi mới, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Vũ Phong