Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch - Ảnh:VGP |
Theo Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 (tính theo năm tài khóa của Nhật Bản), số tiền cam kết cho vay của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ đang triển khai tại Việt Nam.
Về đối phó với dịch bệnh COVID-19, mặc dù thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vaccine và thuốc điều trị nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng. Do đó, hệ thống y tế cần được tăng cường hơn nữa. Cho đến nay, trong lĩnh vực y tế, JICA tập trung vào các ưu tiên trọng điểm. Trước tiên, JICA đã tập trung vào tăng cường y tế nòng nốt cho tuyến trên, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và một số bệnh viện tại phía nam; tăng cường năng lực thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới.
Ưu tiên tiếp theo là việc ngăn ngừa truyền nhiễm, JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm tại TPHCM để tăng cường xét nghiệm và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo xuống các cơ sở y tế tuyến dưới.
Việt Nam đã bắt đầu vừa đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, vừa phòng chống dịch, trong đó, cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế.
Theo JICA, hiện nay, khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.
Đại diện JICA cho rằng, Việt Nam đã phải triển khai các biện pháp chống dịch như giãn cách khá quyết liệt trong đợt dịch thứ 4, gây ảnh hưởng lớn đến các DN dẫn tới sụt giảm mạnh về sản xuất. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nhằm phối hợp cùng Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.
Đại diện JICA cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới.
Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đồng tình với Chính phủ Việt Nam chủ trương "cân bằng giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế", các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với các chủ trương này. Theo đó, những dự án hợp tác của JICA tập trung cho “Đối phó với dịch bệnh COVID-19” và “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Về tình hình DN, ông Shimizu Akira phân tích, JICA nhận thấy số lượng DN nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam chiếm số lượng rất lớn và đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các DNNVV không dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Do vậy, cần mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn, đặc biệt từ các ngân hàng tư nhân.
JICA đã thông qua các dự án vốn vay ODA và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ một số tổ chức tín dụng. Qua đó, tính đến nay đã hỗ trợ tín dụng cho hơn 10.000 DN.
Dịch COVID-19 tác động nhiều tới nhiều DN cũng như người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ, JICA phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để đào tạo cho khoảng 600 phụ nữ làm kinh doanh về thương mại điện tử.
“Tôi kỳ vọng các cơ quan Việt Nam sẽ có các biện pháp phối hợp và hướng dẫn linh hoạt hơn, tạo điều kiện để các DN thích ứng nhanh hơn với tình hình mới”, đại diện JICA nói.
Về vấn đề nguồn nhân lực, đại diện JICA cho biết, do nhu cầu sụt giảm cũng như chuyển đổi số đang diễn ra, số lượng lao động chưa kịp thích ứng sẽ bị thất nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho biết, JICA vừa khởi động một dự án điều tra nhu cầu thị trường lao động do tác động của dịch COVID-19 vào tháng 10 này và kết thúc tháng 4/2022. Trên cơ sở kết quả khảo sát này, JICA sẽ đưa ra các đề xuất. Hiện tại, JICA vẫn đang hỗ trợ cho Trung tâm Hỗ trợ DNVVN để nâng cao năng lực cho các DNNVV. Ngoài ra JICA cũng hỗ trợ cho Cục DNNVV của Bộ KH&ĐT. JICA cũng thực hiện các dự án hợp tác đào tạo nhân lực tại Việt Nam, thúc đẩy công nghiệp hóa, chuyển đổi số, 5G, triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật nghiên cứu cho Đại học Cần Thơ, đào tạo nhân lực, nghiên cứu, liên kết giữa các DN-cơ sở đào tạo tại khu vực phía nam.
“Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ cả về vốn và nâng cao năng lực cho các DNNVV của Việt Nam”, đại diện JICA cho hay.
Về vấn đề vĩ mô, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cũng cho rằng, vai trò của chính sách tiền tệ trong bảo đảm kinh tế ổn định là rất quan trọng. Chính vì vậy, các mô hình dự báo này phải bảo đảm chính xác để đưa ra được các chính sách chính xác cho phát triển nền kinh tế đặc biệt trong đại dịch COVID-19. JICA đã hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai dự án nâng cao năng lực về đánh giá và phân tích dự báo tiền tệ. Ngoài ra, JICA đang xem xét tiếp tục hỗ trợ cải thiện tính bền vững của mô hình dự báo vĩ mô cân bằng động tổng quát (DSGE).
Huy Thắng