Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp của UBTVQH. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra (30-35%). Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, ổn định vĩ mô được đảm bảo tốt. Tỉ lệ nợ công và áp lực trả nợ hằng năm giảm. Nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.
Như vậy có thể thấy kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, thứ nhất, 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng) đã được tập trung thực hiện. Quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được nâng cao, cơ bản khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và khu vực công đạt được kết quả đáng ghi nhận. Quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước được cải thiện; bội chi ngân sách và tỉ trọng nợ công trên GDP giảm so với giai đoạn trước, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Khu vực công được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được chú trọng xây dựng. Thu hút đầu tư nước ngoài được thúc đẩy theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.
Thứ tư, công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế được triển khai thực hiện. Hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ. Liên kết ngành, vùng được thúc đẩy nhằm phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm. Cơ cấu các ngành đã có sự dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản xuất nông nghiệp tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.
Thứ năm, các loại thị trường được thúc đẩy hình thành và phát triển. Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thể chế phát triển thị trường quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện. Thị trường lao động được tăng cường thông qua dự báo, kết nối cung-cầu lao động. Thị trường khoa học và công nghệ sôi động hơn với giá trị giao dịch và số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng.
“Kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, nâng dần tỉ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ an sinh xã hội. Qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm; các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế còn có những hạn chế...
Từ việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm lớn.
Đó là, phải xác định rõ và tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng được hệ thống các chỉ tiêu đo lường mức độ hoàn thành kết quả cơ cấu lại nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng địa phương. Xác định được các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương. Thực hiện tốt việc phối hợp hành động giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của kế hoạch. Thực hiện tốt công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai.