Khánh Hòa phát huy sứ mệnh cực tăng trưởng trong vùng Nam Trung Bộ - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Khánh Hòa phát triển vẫn dưới mức tiềm năng, chưa khai thác và phát huy tối đa lợi thế - Ảnh: VGP

Ngày 23/6, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của tỉnh Khánh Hòa.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đồng chủ trì hội nghị.

Một số kết quả quan trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Tỉnh đã khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển để duy trì tốc độ tăng trưởng và liên tục, tăng trưởng kinh tế chuyển mạnh sang các ngành dịch vụ, chế biến chế tạo, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn và các cơ chế, chính sách phát triển vùng tại địa phương. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa đạt được các mục tiêu đề ra; khả năng thích ứng của nền kinh tế còn thấp khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chưa thu hút đầu tư được các ngành có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn; chất lượng lập, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa cao, phát triển đô thị còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW nhấn mạnh: Trong gần 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết. Những thành tựu đã đạt được cho thấy Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo của Khánh Hòa thay đổi rõ nét. Điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Một số kết quả nổi bật của tỉnh, như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2005-2019 là 8,4%/năm và giai đoạn 2005-2020 là 7,2%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Quy mô kinh tế của tỉnh (theo giá hiện hành) năm 2019 tăng gấp 7,5 lần so với năm 2004, đứng thứ 5/14 địa phương của vùng. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2019 gấp 6,8 lần năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản theo đúng tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình với báo cáo tổng kết của Khánh Hòa đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Khánh Hòa phát triển vẫn dưới mức tiềm năng, chưa khai thác và phát huy tối đa lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội một cách tương xứng, đóng góp cho tăng trưởng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước còn hạn chế. 

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số không đồng đều. Chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chưa phát huy vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, là cửa ngõ hướng biển, liên vận quốc tế cho các địa phương của vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước…

Khánh Hòa vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, nhất là tiềm năng, lợi thế về tài nguyên biển, đảo, tài nguyên văn hoá, con người. 

Việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng và quy chế làm việc của Tỉnh ủy có lúc chưa nghiêm; thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, xử lý, dẫn đến xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, kéo dài…

Khánh Hòa phát huy sứ mệnh cực tăng trưởng trong vùng Nam Trung Bộ - Ảnh 2.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đồng chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

Tận dụng dư địa tạo động lực cho cả tiểu vùng Nam Trung Bộ

Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành của tỉnh đều thống nhất cho rằng, Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Mới đây, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà", cho thấy Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến tỉnh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết này của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa nhằm phát huy lợi thế, tạo cú huých để thúc đẩy Khánh Hòa có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Để thực hiện được những mục tiêu phát triển, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
  • Tập trung gỡ vướng GPMB hàng loạt dự án truyền tải tại Khánh Hòa

    Tập trung gỡ vướng GPMB hàng loạt dự án truyền tải tại Khánh Hòa

  • Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa

    Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa

  • Đại biểu Quốc hội nhất trí có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

    Đại biểu Quốc hội nhất trí có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

Thứ ba, phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Khánh Hòa trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển.

Thứ tư, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn "dư địa" về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia.

Thứ năm, chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa, một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Nam Khánh Hòa - Bắc Ninh Thuận và Khánh Hòa - Tây Nguyên.

Thứ sáu, bám sát kế hoạch, đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo tổng kết, tham dự đầy đủ các hoạt động tọa đàm, hội thảo và tham gia vào tờ trình và dự thảo nghị quyết mới để phối hợp với Ban Chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị những quan điểm, định hướng mới cho phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để phục vụ việc tổng kết. Trong đó, hội nghị tổng kết và báo cáo tổng kết của địa phương là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Anh Minh


Theo https://baochinhphu.vn/khanh-hoa-phat-huy-su-menh-cuc-tang-truong-trong-vung-nam-trung-bo-102220623182831672.htm