Đối tượng chịu phí và người nộp phí
Phần lớn các quốc gia thu phí đối với các chất thải gây ô nhiễm không khí phát sinh từ các cơ sở sản xuất, các nhà máy (gọi là nguồn cố định), từ phương tiện đi lại (gọi là nguồn lưu động)… Các chất thải gồm một số loại khí đặc trưng: bụi, carbon monoxit (CO), nitơ oxit, lưu huỳnh dioxit (SO2)…
Tại Trung Quốc, chính sách thu liên quan tới khí thải của quốc gia này thực hiện theo Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, đối tượng nộp thuế là các đơn vị doanh nghiệp sự nghiệp và các tổ chức sản xuất khác trực tiếp xả chất gây ô nhiễm vào môi trường trong lãnh thổ của Trung Quốc và các vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Trung Quốc. Trung Quốc áp thuế khí thải đối với một số loại khí thải đặc trưng, bao gồm: SO2, NOx, CO, bụi thông thường, bụi amiăng, bụi thủy tinh, bụi các bon đen, bụi khói…
- Tại Hàn Quốc, theo Chỉ số hiệu suất môi trường (2016) do trường Đại học Yale và Columbia phối hợp với Diễn đàn kinh tế Thế giới, Hàn Quốc xếp hạng thứ 173/180 quốc gia về chất lượng không khí (đây là thứ hạng khá thấp); 03 thành phố của Hàn Quốc xếp hạng trong 10 thành phố hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi không khí ô nhiễm.
Thực tế, Hàn Quốc đã áp dụng thu phí đối với khí thải từ năm 1983 (theo Luật Bảo tồn không khí sạch - the Clean Air Conservation Act), theo đó các đối tượng chịu phí bao gồm bụi lơ lửng (suspended particles), SO2, NH3, và đối tượng nộp phí là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm này, mặc dù lượng khí thải NOx thải ra môi trường ngày càng tăng cao nhưng loại khí này vẫn nằm trong diện được miễn áp phí. Các công ty nhỏ được miễn áp phí này và những cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng mức độ lưu huỳnh thấp cũng được miễn áp phí khí thải đối với SOx. Tuy nhiên, đến tháng 6/1996, phí được áp dụng với lượng khí thải vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép (một dạng phí phạt). Từ tháng 7/1996, phí được áp dụng cho tất cả các loại khí thải (ngay cả những loại khí thải trong tiêu chuẩn cho phép).
- Tại Đài Loan (Trung Quốc), năm 1995, Chính quyền bắt đầu thu phí kiểm soát ô nhiễm không khí từ nguồn cố định áp dụng đối với các chất khí như Bảng 1:
Tuy nhiên, Đài Loan cho phép các cơ sở kinh doanh được khấu trừ chi phí lắp đặt và chi phí bảo trì thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm với điều kiện phải sử dụng hiệu quả các thiết bị đó. Biện pháp này được xếp vào một dạng ưu đãi về phí kiểm soát ô nhiễm không khí để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cải tiến công nghệ.
- Tại Thụy Điển, vào năm 1992, phí đánh vào khí thải nitơ oxit (NOx) phát ra từ nguồn cố định (ví dụ: nhà máy điện, nhà máy công nghiệp, lò đốt chất thải…) đã được đưa ra áp dụng. Mục đích chính của phí là giảm bớt lượng khí thải vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép, từ đó chống lại axit hóa. Phạm vi áp dụng của loại phí này rộng dần nhằm bao quát hết số lượng lớn các cơ sở, nhà máy công nghiệp. Nguyên nhân Thụy Điển áp dụng loại phí NOx là do Thụy Điển đã từng phải đối mặt với vấn đề axit hóa đất và ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước do một phần khí thải NOx từ các quá trình đốt tại các cơ sở công nghiệp và trong quá trình vận chuyển.
Thụy Điển đã đưa ra một mức phí cao đối với NOx từ nguồn đốt lớn (mức phí này đôi khi cũng được gọi là mức thuế NOx) nhằm kích thích đầu tư và nâng cao công nghệ đốt và xử lý ô nhiễm, đây là một biện pháp bổ sung cho các quy định pháp lý hiện hành. Sau khi áp phí NOx, lượng khí NOx đã giảm đi khoảng 35% từ các cơ sở trong vòng 20 tháng sau khi áp dụng thu phí; công nghệ đốt và xử lý ô nhiễm có hiệu quả hơn và cường độ phát thải của sản xuất năng lượng đã giảm đi một nửa. Như vậy, mức phí đối với khí thải ở mức cao là chấp nhận được nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khuyến khích đầu tư công nghệ làm giảm độ phát thải (OECD, 2013).
- Tại New Zealand, nguyên nhân áp phí đối với khí thải là do New Zealand một trong những quốc gia có lượng khí thải tăng lên từ năm 2000, theo đó cơ sở sản xuất kinh doanh và các phương tiện giao thông là những nguyên nhân chính gây ra khí thải.
- Tại một số nước như: Nga, phí môi trường thu đối với 214 loại khí thải và 197 loại nước thải; Tại Kazakhstan, phí môi trường thu đối với 1.217 loại khí thải và 1.345 loại nước thải; Tại Ukraine, phí môi trường thu đối với 25 loại khí thải và 9 loại nước thải…
Ngoài phí BVMT đối với các loại khí thải, một số quốc gia lựa chọn thực hiện thuế các bon nhằm giảm lượng khí thải các bon và Phần Lan là quốc gia đầu tiên triển khai áp dụng thuế các bon. Ngày 01/10/2012, Nhật Bản đã ban hành thuế các bon phát thải từ nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong sản xuất nhiệt, ô tô… Năm 2019, Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế các bon, áp dụng cho tất cả các cơ sở thải ra 25.000 tấn khí nhà kính trở lên hàng năm, bao gồm các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện.
Phương pháp tính phí/thuế và mức phí/thuế
Bảng 1: Phí kiểm soát ô nhiễm đối với một số loại khí gây ô nhiễm |
||
Đối tượng |
Các loại khí gây ô nhiễm |
Năm áp dụng |
Các nguồn ô nhiễm cố định |
SOX |
1995 |
NOX |
1998 |
|
VOCS |
2007 |
|
TSP |
2018 |
Nguồn: Bộ Môi trường Đài Loan (2023)
Bảng 2: Một số loại thuế/phí riêng biệt đối với từng loại khí thải ở một số quốc gia |
||||||
Loại thuế/phí đối với khí thải/Quốc gia |
Đan Mạch |
Phần Lan |
Iceland |
Na Uy |
Thụy Điển |
Nhật Bản |
Thuế các bon (CO2) đối với nhiên liệu dầu |
x |
x |
x |
x |
x |
x |
Thuế các bon (CO2) đối với nhiên liệu từ phương tiện giao thông |
x |
x |
x |
x |
x |
x |
Thuế SO2 |
x |
x |
x |
|||
Phí NOx |
x |
x |
x |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Bảng 3: Mức thu phí khí thải áp dụng tại một số nước |
||||||
STT |
Loại khí thải |
Mức thu phí (USD/tấn) |
||||
Séc |
Ba Lan |
Thụy Điển |
Hungary |
Đài Loan |
||
1 |
Bụi |
81 |
81 |
- |
- |
- |
2 |
SO2 |
27 |
80 |
- |
40 - 395 |
0,1 - 0,4 |
3 |
NOx |
22 |
80 |
71,722 |
- |
0,23 - 0,46 |
4 |
CO |
16 |
- |
- |
- |
- |
5 |
VOC |
54 |
- |
- |
- |
- |
6 |
CO2 |
- |
0,053 |
36 |
- |
- |
Mức thu phí trung bình ở các nước kể trên là: SO2: ~40 USD/tấn; NOx: ~ 40 USD/tấn; Bụi: ~ 60 USD/tấn; VOC ~ 31 USD/tấn. |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Bảng 4: Thuế suất thuế các bon ở một số quốc gia châu Âu năm 2023 |
|||
Thuế suất trên mỗi tấn CO2 |
Hiệu lực |
||
Euro |
USD |
||
Áo |
32,50 |
35,38 |
2022 |
Đan Mạch |
24,37 |
26,53 |
1992 |
Estonia |
2,00 |
2,18 |
2000 |
Phần Lan |
76,92 |
83,74 |
1990 |
Pháp |
44,55 |
48,50 |
2014 |
Đức |
30,00 |
35,38 |
2021 |
Iceland |
35,40 |
38,53 |
2010 |
Ireland |
48,45 |
52,74 |
2010 |
Latvia |
14,98 |
16,31 |
2004 |
Lúc-xăm-bua |
44,19 |
48,11 |
2021 |
Hà Lan |
51,07 |
55,59 |
2021 |
Na Uy |
83,47 |
90,86 |
1991 |
Ba Lan |
13,27 |
14,44 |
1990 |
Bồ Đào Nha |
23,90 |
26,01 |
2015 |
Slovenia |
17,30 |
18,83 |
1996 |
Tây Ban Nha |
14,98 |
16,31 |
2014 |
Thụy Điển |
115,34 |
125,56 |
1991 |
Nguồn: World Bank (2023)
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức phí được thu riêng biệt đối với từng loại khí thải ra môi trường và mức độ phí cao hay thấp cũng phụ thuộc vào mức độ độc hại loại khí mà loại khí đó gây ra cho môi trường. Rất nhiều quốc gia đưa ra mức độ tiêu chuẩn về khí thải, do đó thường áp mức phí khá cao đối với các loại khí thải vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép nhằm tạo động lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mức phí ở phần lớn các quốc gia được điều chỉnh theo lạm phát. Cụ thể:
Tại Trung Quốc, mức thuế đối với các loại khí thải dao động trong khoảng 1,2 - 12 NDT/giá trị ô nhiễm. Mức thuế thu cụ thể đối với từng loại khí thải do Chính quyền tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành xác định và điều chỉnh trên cơ sở khả năng chịu đựng của môi trường, thực trạng xả thải ô nhiễm và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cách thức tính thuế đối với khí thải được thực hiện theo quy định tại Điều 8, 9, và 11 của Luật Thuế BVMT:
Mức thuế khí thải cần nộp = Số lượng khí thải ô nhiễm của 3 loại khí thải ô nhiễm nhất x Mức thuế áp cho từng loại khí thải đó.
Số lượng khí thải ô nhiễm = Số lượng khí thải ÷ Giá trị ô nhiễm.
- Tại Mỹ, mức phí tối thiểu là 25 USD/tấn khí thải độc (ngoại trừ CO) và mức phí được điều chỉnh theo lạm phát. Mỗi bang được yêu cầu đặt ra mức phí nhằm trang trải chi phí hoạt động của chương trình. Nếu mức phí đặt ra lớn hơn hoặc bằng 25 USD/tấn và được điều chỉnh theo mức lạm phát hiện hành, khoảng 35 USD/tấn thì Cơ quan BVMT giả định rằng mức phí này đủ cao. Những bang nào đặt mức phí thấp hơn 25 USD/tấn thì phải giải trình chi phí hoạt động cho chương trình BVMT là đủ. Thực tế bang nào cũng lựa chọn đặt ra mức phí cao hơn mức tối thiểu quy định.
- New Zealand, đã áp dụng thuế các bon đối với khí CO2 và các khí thải nhà kính khác (metan và oxit nitơ) phát ra từ các hoạt động của con người. Mức thuế được tính trên căn cứ khối lượng năng lượng được sử dụng để phát thải ra các loại khí gây ô nhiễm chứ không trực tiếp căn cứ trên khối lượng khí thải được phát thải ra. Mức thuế sẽ được tính vào giá theo hướng làm tăng giá thành của sản phẩm năng lượng được sử dụng để phát thải ra các loại khí ô nhiễm.
- Tại Georgia, mức phí dao động từ 0,01 USD/tấn đối với CO đến 3,2 triệu USD/tấn đối với benzo(a)pyrene (chất khí có khả năng gây ung thư). Tại Đan Mạch, mức phí thu đối với SO2 là khoảng 1,250 USD/tấn trong năm 2001. Tại Thụy Điển, mức phí ban đầu đối với NOx là 40 SEK/kg phát ra và được tăng lên 50 SEK/kg chỉ trong năm 2009. Mức phí sau đó được điều chỉnh theo chỉ số giá.
- Tại Singapore, mức thuế các bon hiện tại là 5 SGD/tấn (3,71 USD/tấn) nhưng sẽ được tăng lên là 25 SGD/tấn (18,6 USD/tấn) cho năm 2024 và 2025.
- Thụy Sỹ hiện đánh thuế các bon ở mức cao nhất là 120,16 Euro/tấn (130,81 USD/tấn), tiếp theo là Thụy Điển: 115,34 Euro/tấn (125,56 USD/tấn) và Na Uy là 83,47 Euro/tấn (90,86 USD/tấn). Thuế suất thuế các bon ở Ukraine được đánh giá là thấp nhất: 0,75 Euro/tấn (0,82 USD/tấn) và Estonia là 2 Euro/tấn (2,18 USD/tấn).
- Một số nước châu Âu đang áp dụng thuế các bon sau đó dần chuyển sang hình thức trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính ETS trong những năm gần đây. Đức và Áo đã thực hiện thuế các bon lần lượt vào năm 2021 và 2022, thuế này sẽ được chuyển dần thành ETS vào năm 2026.
Nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
Phần lớn số thu phí BVMT đối với khí thải ở một vài quốc gia là từ các phương tiện giao thông và phần lớn nguồn thu phí dành cho việc cải thiện môi trường sống.
- Tại Trung Quốc, thuế đối với khí thải được tính theo từng tháng, được kê khai và nộp hàng quý (trong trường hợp không thể được tính theo một khoảng thời gian cố định, có thể xin nộp thuế theo lần). Đối tượng nộp thuế khi khai báo thuế cần cung cấp cho cơ quan thuế loại khí thải ô nhiễm, số lượng khí thải ô nhiễm, và các thông tin khác do cơ quan thuế vụ yêu cầu căn cứ theo tình hình thực tế của đối tượng nộp thuế.
Thời gian khai báo thuế đối với khí thải là trong vòng 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Cơ quan chủ quản BVMT chịu trách nhiệm quản lý đo lường khí thải ô nhiễm, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn quản lý đo lường khí thải. Nguồn thu thuế đối với khí thải được đưa vào nguồn thu ngân sách của địa phương, thực hiện các nhiệm vụ thu và chi của địa phương. Nguồn thu phí từ khí thải ở các quốc gia chủ yếu được phân cấp cho địa phương nhằm cung cấp dịch vụ công cải thiện môi trường hiệu quả hơn.
- Tại Nhật Bản, nguồn thu thuế các bon được sử dụng cho các hoạt động giảm thiểu nóng lên toàn cầu, thúc đẩy bảo tồn năng lượng, năng lượng tái tạo bao gồm hỗ trợ của chính phủ để lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển việc sử dụng năng lượng tái chế, nghiên cứu và phát triển (R&D); xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo phù hợp với đặc điểm của từng vùng.
- Tại Thụy Điển, nguồn thu phí đối với khí thải NOx có điểm khác biệt so với các quốc gia khác, đó là tất cả khoản phí thu được sẽ được hoàn trả một phần lại cho các nhà máy dựa trên mức năng lượng mà nhà máy sử dụng để giảm bất kỳ tác động tiêu cực của khí thải ra cũng như khả năng cạnh tranh của nhà máy với các cơ sở khác.
- Tại Armenia, nguồn thu phí môi trường đối với khí thải của Armenia chủ yếu là các khoản phí từ nguồn lưu động và cụ thể hơn là các khoản phí đối với các phương tiện quá cảnh và do hải quan thực hiện thu phí (cao hơn khoảng 4 lần so với khoản phí từ các phương tiện được cảnh sát đường bộ thực hiện thu do quá cảnh mức phí cao hơn). Thực tế, nguồn thu phí ô nhiễm không khí từ các nguồn lưu động cao hơn rất nhiều so với từ nguồn cố định do mức phí từ nguồn lưu động cao hơn và khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông cũng cao hơn rất nhiều so với phát thải từ các nguồn cố định. Năm 2002, khí thải từ phương tiện giao thông chiếm tới 87% tổng lượng khí thải.
Đối với khoản phí thu được từ nguồn cố định thì năm 2001 nguồn thu từ khoản phí này giảm so với năm 2000 là do giảm hoặc miễn không thu phí đối với khoảng 39 chất thải vào không khí sau năm 2000. Năm 2002, khoảng 93% trong tổng số nguồn thu phí đối với khí thải phát ra từ nguồn cố định thuộc về các khoản phí liên quan đến bụi vô cơ, nito oxit và lưu huỳnh dioxit, khoảng 3% trong tổng số nguồn thu phí đối với khí thải phát ra từ nguồn cố định là từ CO.
Nguồn thu từ phí đối với khí thải được áp dụng từ sau năm 2000 nhưng giai đoạn một số năm sau đó thì nguồn thu từ khoản phí này không được sử dụng để đầu tư cải thiện trực tiếp môi trường không khí mà chủ yếu tổng nguồn thu phí từ khí thải, từ nước thải và từ các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường dùng để cải thiện nguồn nước, hoạt động xử lý chất thải, hoạt động bảo vệ thiên nhiên, hoạt động thông tin và giáo dục về môi trường, chi cho quản lý hành chính…
Kết luận
Từ kinh nghiệm của các nước về các khoản thu nhằm BVMT không khí, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
- Về đối tượng chịu phí và người nộp phí: Việc áp phí BVMT đối với khí thải tập trung ở một số loại khí thải đặc trưng, bao gồm: SO2, NOx, CO, bụi.
- Về phương pháp tính phí: Qua kinh nghiệm, thực tiễn thực hành hệ thống phí BVMT đối với khí ở một số nước trên thế giới cho thấy một hệ thống phí khí thải hoàn chỉnh cần phải bao gồm phí đối với các nguồn thải lưu động và nguồn thải cố định.
- Về mức phí: Mức phí phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nuớc. Mức phí đặt ra không được gây ra quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp tới chỗ phải đóng cửa. Mục đích chính của phí BVMT đối với khí thải là tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp giảm phát thải, đồng thời có thêm nguồn thu cho công tác BVMT.
- Về phân bổ nguồn thu phí: Ở nhiều nước, phí BVMT thường được chi tiêu trở lại cho môi trường. Phí BVMT đối với khí thải cần phải để lại cho địa phương để trang trải cho công tác thu phí và các hoạt động BVMT không khí, đồng thời thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thông xử lý khí thải cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tài liệu tham khảo:
- Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Luật Thuế BVMT;
- OECD (2006), “OECD Environmental Performance Reviews: Korea 2006” và OECD (2017), “OECD Environmental Performance Reviews: Korea 2017”;
- Woosuk Jung (2017), “South Korea’s air pollution: Gasping for solutions”. http://isdp.eu/content/uploads/2017/06/2017-199-south-korea-air-pollution-1.pdf;
- MOE (2015a), “Environment Review 2015, Korea”.