Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong tại buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Thổi bay 21.000 tỉ đồng trong 9 tháng
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, kinh tế TP.HCM 9 tháng đầu năm lần đầu tiên tăng trưởng dưới 1,2% do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch, dịch vụ thiệt hại nặng.
Theo ông Phong, đây cũng là lần đầu TP.HCM có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng.
Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh với hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.
"Tác động của dịch bệnh là rất lớn, song cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp thành phố. Bởi lẽ, TP.HCM đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, cùng trên 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng“ ông Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá, kinh tế TP.HCM 9 tháng đầu năm lần đầu tiên tăng trưởng dưới 1,2% do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch, dịch vụ thiệt hại nặng. (Ảnh: HM)
Theo Chủ tịch Phong, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM hiện có trên 438.000 doanh nghiệp, chiếm 32% cả nước, đóng góp 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cho hay, để phục hồi kinh tế đối với TP.HCM hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, ngoài ra sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong thời gian tới, đặc biệt là doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi số.
“Đồng thời, chính quyền các cấp sẽ tập hợp các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ; có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp của TP.HCM quan tâm để các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tiếp cận gói hỗ trợ một cách thuận lợi”, ông Phong cho biết.
Hiện đại hoá, số hoá sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sau dịch
Có thể thấy, dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, sản xuất trở lại ổn định, song nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu Covid-19 cũng như hội nhập và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp không áp dụng khoa học, công nghẹ sẽ có nguy cơ ngày càng thụt lùi và chết.
Tại khảo sát của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi số. Theo thông kế chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa biết đến chuyển đổi số và số hóa, tuy nhiên việc áp dụng của các doanh nghiệp mới chỉ ở bước đầu. Hầu hết vẫn đang loay hoay trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng từng cho biết, hiện nay, phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức về chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng số còn khác nhau và luôn trong trạng thái lo ngại, e ngại, sợ hoặc né tránh, chưa dám tiếp cận.
Vì vậy, trong thời gian tới hiệp hội sẽ tập trung để giúp doanh nghiệp hiểu đúng, nhận thức tốt và từ đó có kế hoạch hành động phù hợp. Đồng thời, tập trung vào công tác tư vấn, công tác hỗ trợ các nguồn lực để các doanh nghiệp đã có sẵn sàng giúp doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số.
Việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sau dịch.
Nhiều chuyên gia nhận định, để phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số của doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, quản lý cần đưa ra quyết định liên quan đến nhân sự một cách thông minh, nhanh chóng. Các doanh nghiệp cần phân định, đánh giá những nhóm nhân sự nào phù hợp với các kế hoạch chuyển đổi số đã được doanh nghiệp lên kế hoạch từ trước đó.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, cho rằng đầu tư chuyển đổi số được đánh giá tăng trưởng tốt trong đại dịch. Song để việc chuyển đổi số của các dự án công đạt hiệu quả, đặc biệt là dự án thành phố thông minh… mọi thông tin cần minh bạch hơn để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin biết và có cơ hội tham gia, tránh trường hợp chỉ dành cho một số doanh nghiệp trong ngành.
Trước vấn đề chuyển đổi số đang được nhiều doanh nghiệp đề cập và quan tâm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trong giai đoạn 1, thành phố đã triển khai được 4 phần cơ bản, bao gồm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành chỉ huy, Trung tâm dự báo mô phỏng phát triển kinh tế xã hội và sắp tới ra mắt Trung tâm vận hành về an toàn an ninh thông tin.
Thành phố đang khẩn trương triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh song hành cùng với chương trình chuyển đổi số, góp phần giữ vững thành quả trong công tác phòng chống dịch, cũng như góp phần hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế thành phố, phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo giới, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, trong các giải pháp mà Sở tham mưu cho thành phố về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong chính quyền, và chính quyền số sẽ cung cấp nhiều dịch vụ công để tạo môi trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số của mình như hóa đơn điện tử, hệ thống khai báo thuế điện tử... Từ đó, giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ.