Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các trang trại trên địa bàn Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Thoan (huyện Sóc Sơn) vẫn phát triển ổn định. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà thịt. Giá bán cao hơn so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.
Từ khi bắt tay vào phát triển trang trại, gia đình chị hướng đến quy trình sản xuất sạch bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chuồng nuôi. Xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm thịt gà được giết mổ, đóng gói, hút chân không, được gắn tem nhãn. Khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đánh giá được chất lượng sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Hanh, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) cho biết, với quy mô 1ha, gia đình ông đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thương phẩm…, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn chục lao động.
Là một trong những địa phương có nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 25 trang trại tại các xã: Phương Đình, Thọ An, Trung Châu… trong đó có 23 trang trại chăn nuôi lợn, 1 trang trại nuôi gà, 1 trang trại nuôi bò…, giá trị sản xuất trung bình 4-5 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy, không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, việc phát triển kinh tế trang trại còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nguồn cung nông sản cho thị trường và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện Hà Nội có có 1.759 trang trại (37 trang trại trồng trọt; 1.410 trang trại chăn nuôi; 191 trang trại nuôi trồng thủy sản; 1 trang trại lâm nghiệp và 120 trang trại tổng hợp). Kinh tế trang trại trên địa bàn Thành phố phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư và tạo nhiều việc làm cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển kinh tế trang trại còn một số khó khăn về nguồn vốn, chất lượng nhân lực lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hay nhiều chủ trang trại chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, việc liên kết giữa các trang trại còn hạn chế…
Đơn cử, tại nhiều địa phương, các trang trại hoạt động theo hướng tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm có nơi chưa bảo đảm nên sức cạnh tranh yếu. Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đưa được công nghệ mới vào sản xuất..., dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, bán ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, hiệu quả thấp.
Theo ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách cho vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hay Quỹ Khuyến nông; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Cùng với đó là hỗ trợ các hoạt động liên kết để bao tiêu hàng hóa, nông sản cho người nông dân.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm... gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Mặt khác, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.
Đồng thời đổi mới hướng tới phát triển bền vững kinh tế trang trại, triển khai các phương án sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện để các trang trại làm ăn hiệu quả phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…
Thành Nam