"Kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở lĩnh vực sản xuất, rồi cả trong các ngành dịch vụ chủ chốt và nông nghiệp - một sự tăng trưởng trên diện rộng ở nhiều ngành. Điều đó rất là ấn tượng. Thứ hai, nữa là niềm tin của các nhà đầu tư tăng rất rõ ràng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, giải ngân tăng hơn 10% trong 12 tháng qua", ông Raymon Mallon - Chuyên gia kinh tế Australia đánh giá.
"Duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn giữ lạm phát ở mức ổn định. Lạm phát thấp hơn 4% so với mục tiêu đặt ra nhờ những nỗ lực cắt giảm thuế nhiên liệu, giảm bớt áp lực giá cả" - đây là nhận định của chuyên trang kinh tế Bloomberg. Trang báo cũng nhận định nhờ nỗ lực này Việt Nam có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo vừa công bố tuần qua của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch cũng nhận định, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh, tiền đồng của Việt Nam mất giá rất ít, chỉ 2% trong 6 tháng qua và là đồng tiền hoạt động hiệu quả thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay: "Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách đúng đắn. Đó là lý do chính mà lạm phát được kiểm soát ổn định. Với tình hình hiện tại, Việt Nam có thể giữ được mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 4% hoặc dưới 4%. Một lần nữa, tôi đánh giá tích cực rằng Chính phủ Việt Nam có quan điểm và chính sách phù hợp để duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát, nền kinh tế hục hồi khá tốt sau COVID-19, vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá mạnh".
Từ những kết quả trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong bản bổ sung triển vọng kinh tế tháng 7 đã tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% vào năm 2023. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tiếp tục mở rộng thương mại, khu vực sản xuất phục hồi nhanh hơn dự kiến, du lịch trong nước và giải ngân về đầu tư công.
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/kinh-te-viet-nam-duy-tri-da-tang-truong-on-dinh/20220808084340518