Phó Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam tin tưởng Chính phủ cùng với người dân Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép vừa kiềm chế đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế - Ảnh:VGP. |
Đây là ý kiến của ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu và chắc chắn cũng ảnh hưởng đến đời sống và công việc của cá nhân. Xin ông chia sẻ đôi chút về những ảnh hưởng của dịch và cách thức “thích nghi” với bối cảnh mới?
Ông Keiju Mitsuhashi: Trên phương diện công việc, đúng là đại dịch COVID-19 có những ảnh hưởng đáng kể. Trước hết, đại dịch đã hạn chế việc đi lại, giao thương quốc tế - gây khó khăn cho việc huy động chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Yêu cầu giãn cách xã hội khi dịch bùng phát cũng làm hạn chế đi lại trong nước, hạn chế các chuyến công tác thực địa cũng như gặp mặt trao đổi trực tiếp với ban quản lý dự án ở các tỉnh.
Để đối phó với những thách thức do đại dịch, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển sang các cuộc họp trực tuyến và quản lý dữ liệu nhờ điện toán đám mây. Chúng tôi cũng đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Đồng thời ưu tiên cho sức khỏe và an toàn của nhân viên và gia đình, sắp xếp để các nhân viên có thể linh hoạt làm việc tại nhà.
Chúng tôi cũng quan tâm theo dõi tình hình đại dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng của đại dịch để sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp. Các nhân viên của chúng tôi cũng đã tích cực tham gia quyên góp ủng hộ chống đại dịch.
Cá nhân tôi tuy gặp đôi chút khó khăn nhưng đó là một trải nghiệm thú vị. Tôi đã học cách tập thể dục nhiều hơn ở nhà. Tôi dành nhiều gian hơn cho học tiếng Việt, mặc dù bây giờ học tiếng Việt cũng phải học trực tuyến. Dù vậy, có thể nói, tôi khá may mắn khi đến Việt Nam vào tháng 3/2020, vì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thành công trong kiểm soát đại dịch.
Ông có nhận xét như thế nào về chủ trương và chiến lược phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam?
Ông Keiju Mitsuhashi: Có ba yếu tố chính dẫn đến thành công trong phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Điểm quan trọng là Chính phủ biết rõ những hạn chế về nguồn lực và đã đưa ra các quyết sách và hành động nhanh chóng ngay từ đầu để xác định, truy vết và kiểm soát dịch COVID-19.
Tôi nhận thấy, hầu hết mọi người đều tuân thủ các chỉ thị và yêu cầu của Chính phủ một cách nghiêm túc. Mọi người đều nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn và đã tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức người dân cũng rất thành công.
Có thể nói, thành công trong kiểm soát đại dịch có thể liên quan bắt nguồn từ sự tin tưởng của người dân vào sự chỉ đạo của Chính phủ, cách tiếp cận của Chính phủ để truyền đạt rất tới người dân là hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng đạt được mục tiêu kép của Việt Nam, vừa kiểm soát được đại dịch, giữ cho người dân khoẻ mạnh, vừa duy trì khôi phục các hoạt động kinh tế thực hiện mục tiêu tăng trưởng?
Ông Keiju Mitsuhashi: Tôi nghĩ Chính phủ và người dân Việt Nam đã chứng minh rằng không có sự đánh đổi giữa việc kiểm soát đại dịch và tăng trưởng kinh tế. Như đã nói, năm ngoái, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,9% khi hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm, một trong những lý do là các bạn đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch.
Giờ đây, điều quan trọng là phải ngăn chặn đợt bùng phát lần thứ tư này và đẩy nhanh hơn nữa chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19. Việc tiêm phòng vaccine sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus và cho phép toàn bộ nền kinh tế hoạt động trở lại và phục hồi, qua đó duy trì được đà tăng trưởng.
Ba đợt bùng phát đại dịch trước đây đã được kiểm soát rất tốt. Do đó, tôi rất lạc quan và tin rằng dựa trên kinh nghiệm và bài học rút ra từ những làn sóng đại dịch trước đây, Chính phủ cùng với người dân Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép vừa kiềm chế đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế.
Xin cám ơn ông!
Huy Thắng (thực hiện)