Ảnh minh họa
Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nhấn mạnh, thể chế cần đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Còn nhiều vướng mắc cho kinh tế số

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh tế số là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Trong một báo cáo mới đây, VCCI chỉ ra hàng loạt vướng mắc liên quan tới kinh tế số, mà trước hết là về sở hữu trí tuệ. Theo cơ quan này, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ, như quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được làm rõ gây nhiều khó khăn trên thực tiễn triển khai.

Ví dụ, khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn rất chung chung và khó hiểu. Điều này dẫn đến các tranh cãi về việc dữ liệu có  được coi là bí mật kinh doanh hay không và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào. Trên thực tiễn, đã nảy sinh tình huống mất cắp dữ liệu nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ngần ngại khi coi đây là loại tài sản trí tuệ cần được bảo vệ. Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ đang trong giai đoạn rà soát, sửa đổi và việc ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số cần được chú trọng.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ tài sản số trong các hợp đồng dân sự, lao động cũng là cản trở khá lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế số hoặc chuyển đổi số. Ví dụ, một ngân hàng thuê một bên cung cấp giải pháp công nghệ thông tin để có thể lập trình các website, phần mềm hoặc mua các gói phần mềm có sẵn để phục vụ việc chuyển đổi số. Trong quá trình đó, một số câu hỏi nảy sinh như dữ liệu, thông tin được tạo ra sẽ thuộc về đơn vị thuê dịch vụ hay đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, ai có quyền khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin đó?

Pháp luật hình sự cũng có thể được coi là một công cụ tốt để bảo vệ tài sản số, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, dù các hành vi vi phạm diễn ra tương đối nhiều, nhưng số lượng các vụ việc bị xử lý lại hầu như không có. Các hành vi thường bị xử lý như chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, lừa đảo trong thương mại điện tử và cung cấp phần mềm nghe lén, theo dõi điện thoại. Còn các hành vi xâm phạm dữ liệu, xâm phạm hệ thống thông tin vẫn chưa thấy có vụ việc nào bị xử lý.

Về bảo vệ dữ liệu người dùng, việc thực thi các quy định vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cho dù Luật An toàn thông tin mạng đã dành hẳn một mục để quy định về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng internet. Điều đáng mừng là hiện nay, Bộ Công an đang trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định này được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng hiện nay.

Cũng theo VCCI, cân bằng giữa việc bảo vệ và khai thác dữ liệu người dùng cũng là tranh luận chính sách trong quá trình soạn thảo các quy định pháp luật liên quan. Pháp luật Việt Nam đã có quy định cấm các hành vi mua bán dữ liệu người dùng, được thực thi bằng cả các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Tuy nhiên, việc coi dữ liệu cá nhân là bí mật kinh doanh, một dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ thì chưa rõ ràng.

Theo Ban Pháp chế của VCCI, vấn đề các nền tảng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan nhà nước cũng là một tranh luận chính sách quan trọng, nhưng dường như lại chưa được làm rõ trong các quy định pháp luật. Cơ quan này cho rằng, vấn đề cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước cần đạt được sự cân bằng giữa một bên là bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và quyền tài sản của doanh nghiệp, một bên là nhu cầu phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, vấn đề này chưa được giải quyết một cách rõ ràng trong các văn bản quy phạm. Một số văn bản như Bộ luật Tố tụng hình sự tiếp cận theo hướng đề cao quyền riêng tư. Tuy nhiên, rất nhiều văn bản khác lại đề cao việc quản lý nhà nước và yêu cầu cung cấp thông tin rất rộng.

Kỳ vọng mở đường cho nhiều mô hình

Để giải quyết thực trạng nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển quá nhanh, mà các cơ quan quản lý không theo kịp để đưa ra biện pháp phù hợp, nhiều quốc gia đã đưa ra cơ chế thử nghiệm chính sách (regulatory sandbox). Hiện, các cơ quan ban hành chính sách của Việt Nam cũng đã bắt đầu có ý tưởng đưa ra một cơ chế tương tự, trước mắt dành cho dịch vụ công nghệ tài chính (fintech).

VCCI cho rằng, nhiều hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tài chính hiện thuộc diện bị cấm hoặc phải đáp ứng các điều kiện rất cao thì mới được thực hiện. Các quy định hiện hành này không phù hợp với mô hình kinh doanh mới với ứng dụng của mạng internet và công nghệ thông tin. Mặc dù vậy, nếu yêu cầu các cơ quan nhà nước phải đưa ra quy định dành cho mô hình kinh doanh mới luôn thì các cơ quan chưa thể làm ngay được.

“Để giải quyết mâu thuẫn này thì cơ chế thử nghiệm là một giải pháp. Nguyên lý cơ bản của cơ chế này là Nhà nước tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cần kiểm soát các nguy cơ gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Do đó, thay vì cơ quan nhà nước đưa ra các quy định, các biện pháp bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để bảo vệ lợi ích công cộng, thì chính các doanh nghiệp đề xuất các biện pháp này”, VCCI nhận định.

Theo giải pháp này, các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị một đề án để xin phép cơ quan nhà nước. Đề án đó sẽ trình bày kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, các vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến dự  định kinh doanh đó, và các biện pháp do doanh nghiệp đề xuất để có thể bảo vệ các lợi ích công cộng trong lĩnh vực tài chính như chống lừa đảo, rửa tiền, chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan nhà nước sẽ thẩm định và xem xét chấp thuận phương án kinh doanh cùng với các biện pháp bảo vệ lợi ích công cộng đi kèm.

Đề án này được dự kiến là sẽ mở đường cho một số hoạt động tài chính hiện nay như cho vay ngang hàng, xác thực người dùng điện tử, tiền mã hoá và có thể thêm nhiều mô hình khác.

Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN thừa nhận, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cũng đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu để hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý, nhất là khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, định danh và xác thực điện tử, cơ chế quản lý, giám sát đối với các công ty fintech... cũng như việc đảm bảo an toàn, bảo mật trước xu hướng gia tăng của các loại tội phạm trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Cũng như kiến nghị của nhiều chuyên gia và lãnh đạo của một số ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, cần sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có cơ chế cho phép chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu này với một số ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông để thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, cho phép cung cấp dịch vụ số nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, chi phí thấp tới đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, sớm xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy lòng tin của công chúng đối với thực hiện giao dịch số, sử dụng dịch vụ số.

Cùng với đó, cần hoàn thành Nghị định về định danh và xác thực điện tử nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các giao dịch điện tử, dịch vụ số, qua đó tăng cường hỗ trợ các hoạt động của kinh tế số.

Một vấn đề khác là đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Nhóm PV

Theo http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Ky-4-Can-hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-trong-kinh-te-so/429123.vgp