Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chiều 9/10/2020, kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Chương trình tổng kết 5 năm triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và Tôn vinh doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên phát biểu tại chương trình.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, để khẳng định quyết tâm và cam kết của lãnh đạo tỉnh về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 5/6/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Bản cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung cam kết cải thiện môi trường kinh doanh UBND tỉnh đã ký với VCCI. Kết quả tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đạt hầu hết các chỉ tiêu đã cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Môi trường đầu tư của tỉnh đã từng bước được cải thiện tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập hàng năm bình quân trên 15%. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực trong 5 năm qua và Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây nguyên.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp, đơn vịcó thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cùng cả nước, Doanh nghiệp Lâm Đồng hội nhập và phát triển” giai đoạn 2016-2020.
Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp… tăng cường hiệu quả công tác đối thoại, ngoài các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp 2 lần một năm, tỉnh còn giao Hiệp hội Doanh nghiệp chủ trì các Hội nghị đối thoại chuyên ngành; triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số DDCI.
Một số chỉ tiêu quan trọng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được theo cam kết, gồm: Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, thời gian nộp thuế, thẩm định và cấp phép xây dựng, thời gian hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu, ngành thuế đã phấn đấu đạt mức ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế, thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.
Tri ân đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân
Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ doanh nhân nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng luôn đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó đã triển khai nhiều giải pháp, chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp.
Từ đó doanh nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến phù hợp với chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã từng bước được nâng lên.
Năm 2015 tổng số doanh nghiệp còn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.799 doanh nghiệp; đến tháng 6/2020 Lâm Đồng đã có 9.459 doanh nghiệp và sẽ đạt mục tiêu có 10.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Trong những năm qua, mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển được nhiều sản phẩm mới, khai thác tốt thị trường.
Số doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận đạt mức 8% đến trên 10% so với doanh số chiếm tỷ lệ khá và chiếm trên 60% số doanh nghiệp đang hoạt động. Khu vực doanh nghiệp, HTX và hộ kinh tế gia đình trong 5 năm qua tạo công ăn việc làm mới cho gần 30.000 lao động hàng năm, đưa tổng số lao động có việc làm trong khu vực doanh nghiệp đạt trên 910.000 lao động. Khu vực doanh nghiệp của tỉnh đã đóng góp khoảng 55-60% vào tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng Đinh Minh Quý tặng biểu trưng tri ân các doanh nhân tiêu biểu.
Đội ngũ doanh nhân tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua cũng đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đóng góp hình thành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Các doanh nhân ngày càng thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu được nhiều sản phẩm của tỉnh, góp phần đưa hình ảnh của Lâm Đồng đến với các nước trên thế giới.
Nhờ thế, trong 5 năm (2016-2020), kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng cao theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân tăng 8,0%. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước. Toàn tỉnh thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng Phạm Nguyễn Ngọc Duy phát biểu tại chương trình.
Theo ông Duy, đối với doanh nhân thì thời gian vừa qua là một thử thách vô cùng to lớn vì sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Có thể nói đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới khi thị trường đã thay đổi đáng kể sau dịch, như công nghệ, nhất là chuyển đổi số, kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư,...
Để nắm bắt và tận dụng các xu thế mới, doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược sản phẩm, dịch vụ một cách phù hợp và hiệu quả. Trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp sẽ bước vào một giai đoạn mới, vừa vượt qua khó khăn, vừa nắm bắt thời cơ và thực hiện chuyển đổi. Do đó, rất cần sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, các sở ban ngành để cùng nhau vực dậy nền kinh tế của tỉnh nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở ban ngành, chính quyền địa phương; sự quyết tâm vượt qua khó khăn, sự bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng K' Mák và Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San tặng biểu trưng tri ân các doanh nhân tiêu biểu.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng tôn vinh và tặng biểu trưng cho 60 doanh nhân tiêu biểu đã có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020.