: Ông Phú Hữu Minh Thuần, Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, giới thiệu sản phẩm gốm nung lò đạt chất lượng cao.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, giới thiệu sản phẩm gốm nung lò đạt chất lượng cao.

Sáng sớm ngày 8/1, gặp lại Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, ông phấn khởi cho biết, các thành viên HTX đang tất bật chế tác sản phẩm giao cho khách hàng có giá trị lớn ở Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm gốm Chăm hút hàng trong dịp Tết Nguyên đán, sản xuất không kịp giao cho khách là bình cắm hoa, hộp đèn, tượng các vị thần, tháp Chăm. Lò nung của HTX liên tục “đỏ lửa”, mỗi mẻ cho ra khoảng 400 sản phẩm. HTX đầu tư trên 45 triệu đồng xây dựng lò nung gốm đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023. Gốm nung lò tiết kiệm chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cho ra sản phẩm chất lượng tốt hơn nung lộ thiên, được khách hàng đánh giá cao.

Du khách thích thú xem nghệ nhân Trượng Thị Gạch biểu diễn chế tác gốm Bàu Trúc.
Du khách thích thú xem nghệ nhân Trượng Thị Gạch biểu diễn chế tác gốm Bàu Trúc.

HTX Gốm Chăm Bàu Trúc có 18 lao động làm việc “hết công suất” phấn đấu đạt trên 10.000 sản phẩm với khoảng 500 chủng loại phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Từ nghề làm gốm, các thành viên trong HTX có mức thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề cao thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Cách Văn phòng của HTX Gốm Chăm Bàu Trúc vài chục bước chân là cơ sở gốm Mỹ Tiên của gia đình chị Đổng Thị Mỹ Trinh. Ông Đổng Đại Hoạt, ba của chị Mỹ Trinh đang làm sạch lớp tro trấu trên sản phẩm bình cắm hoa chuẩn bị đóng gói gửi xe giao cho khách hàng Hà Nội. Tại cơ sở gốm Mỹ Tiên, chúng tôi gặp nghệ nhân trẻ Đổng Quang Tường đang hoàn thành các pho tượng Phật đất nung, ếch ngồi thiền kịp giao cho hàng trang trí trong dịp vui Xuân đón Tết cổ truyền dân tộc 2025.

Anh Đổng Đạt Hoạt kiểm tra, làm sạch sản phẩm gốm trước khi đóng gói chuyển cho khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Anh Đổng Đạt Hoạt kiểm tra, làm sạch sản phẩm gốm trước khi đóng gói chuyển cho khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ít ai ngờ nghệ nhân trẻ chuyên chế tác tượng đất nung của cơ sở Mỹ Tiên đã từng học Cao đẳng chuyên ngành Điện Công nghiệp nhưng đam mê nghề truyền thống “mẹ truyền con nối” nên sau khi học năm thứ nhất, anh quay về nhà chí thú với nghề chế tác tượng đất. Sản phẩm của nghệ nhân Đổng Quang Tường có phong cách chế tác đường nét rất riêng và duyên dáng, được khách hàng ưa chuộng, tượng nung ra đến đâu được khách hàng tiêu thụ đến đó. Nghề làm gốm truyền thống giúp anh có thu nhập trung bình 12- 15 triệu đồng/tháng, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.

Nghệ nhân Đàng Thị Trình chế tác chậu trồng hoa mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng.
Nghệ nhân Đàng Thị Trình chế tác chậu trồng hoa mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng.

Đến thăm cơ sở gốm của nghệ nhân Đàng Thị Trình, chúng tôi gặp gia đình chị đang tất bật làm đất, chế tác chậu hoa, chống thấm sản phẩm, kiểm tra chất lượng, đóng gói giao cho khách hàng. Trong tháng 1/2025, gia đình chị nhận nhiều đơn đặt hàng của khách trong nước trị giá trên 60 triệu đồng. Trong gia đình chị có 7 người làm gốm, mỗi người đảm nhận một công việc, phấn hoàn thành sản phẩm gốm nung lò kịp giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trước sân nhà chị Trình phơi lúa vụ mùa vừa thu hoạch xong. Với diện tích 3 sào lúa, năng suất ước đạt 6 tạ/sào, vụ này gia đình chị thu hoạch được gần 1,8 tấn thóc. Kết hợp nghề làm gốm, gia đình chị Trình bảo đảm cuộc sống no ấm, có điều kiện nuôi dạy con cháu học tập trưởng thành.

Nghệ nhân trẻ Đổng Quang Tường hoàn thiện sản phẩm “Ếch ngồi thiền” theo đơn đặt hàng.
Nghệ nhân trẻ Đổng Quang Tường hoàn thiện sản phẩm “Ếch ngồi thiền” theo đơn đặt hàng.

Trên con đường làng Bàu Trúc mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Đổng Dậu được trải nhựa khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan của du khách và đi lại vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Tranh thủ trời nắng ráo, cánh đồng đất sét vừa thu hoạch lúa vụ mùa 2024, anh Đàng Năng Phước khai thác, vận chuyển đất cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gốm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Anh Đàng Thanh Minh lái xe Hoa Lâm vận chuyển gốm thành phẩm từ các cơ sở sản xuất trong làng đến các đầu mối thu mua, phân phối gốm Bàu Trúc cho người tiêu dùng trong cả nước.

Nghệ nhân Đàng Thị Bang làm đất chuẩn bị chế tác gốm Chăm Bàu Trúc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Nghệ nhân Đàng Thị Bang làm đất chuẩn bị chế tác gốm Chăm Bàu Trúc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Ông Đàng Chí Quyết, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Bàu Trúc cho biết, khu phố hiện có 712 hộ, với 3.293 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống hàng trăm năm qua. Tính đến cuối năm 2024, hộ nghèo ở Bàu Trúc chỉ còn 6 hộ, chiếm 0,84% do già cả, neo đơn, thiếu sức lao động. Ngày 29/11/2022, Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là niềm tự hào đối với đồng bào Chăm Bàu Trúc, động viên bà con sáng tạo nhiều mẫu mã mới và chế tác nhiều sản phẩm mới đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng yêu thích sản phẩm gốm Chăm. Làng nghề Bàu Trúc sẵn sàng tiếp đón du khách đến tham quan, mua sản phẩm làm quà lưu niệm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 

Anh Đàng Thanh Minh lái xe Hoa Lâm vận chuyển gốm thành phẩm từ cơ sở sản xuất của bà Lộ Thị Quạ cung cấp cho các cơ sở thu mua.
Anh Đàng Thanh Minh lái xe Hoa Lâm vận chuyển gốm thành phẩm từ cơ sở sản xuất của bà Lộ Thị Quạ cung cấp cho các cơ sở thu mua.
Anh Đàng Năng Phước chở đất sét cung cấp nguyên liệu cho cơ sở gốm Ngọc Huỳnh ở làng Bàu Trúc.
Anh Đàng Năng Phước chở đất sét cung cấp nguyên liệu cho cơ sở gốm Ngọc Huỳnh ở làng Bàu Trúc.
Du khách thích thú với sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc.
Du khách thích thú với sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc.
Làng nghề gốm Bàu Trúc vào Tết
Theo https://baodantoc.vn/lang-gom-bau-truc-nhon-nhip-vao-xuan-1736422637817.htm