Sở hữu vị trí địa lý độc đáo với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Đông Nam Á là khu vực sở hữu tiềm năng lớn có thể dẫn đầu trong cuộc đua phi carbon hóa, hướng tới chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Với 10 nền kinh tế năng động, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có những cơ hội để giải quyết biến đổi khí hậu mà vẫn thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
ASEAN nỗ lực tiếp cận các thị trường tín chỉ carbon khác nhau
Với GDP 3,4 nghìn tỷ USD, ASEAN là khu vực có nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù vậy, đây vẫn là khu vực phát thải đáng kể do bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng nghiêm trọng.
Theo tính toán, trong năm 2023, ASEAN chịu trách nhiệm khoảng 6% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Ngành năng lượng của khu vực chiếm tới 50% lượng khí thải do phụ thuộc quá nhiều vào than đốt.
Tiếp đến là ngành lâm nghiệp với 30% khí thải liên quan tới nạn phá rừng để mở rộng diện tích nông nghiệp, canh tác.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của ASEAN cũng phát thải khoảng 450 triệu tấn carbon tương đương mỗi năm.
Bất chấp những rào cản và thách thức đã tồn tại từ lâu, ASEAN vẫn đạt được những bước tiến mới trong hành trình tạo ra tín chỉ carbon. Chỉ trong thời gian từ 2009 - 2024, khu vực đã có 233 triệu tấn tín chỉ, tương đương với 7% lượng phát hành tín chỉ toàn cầu.
Trong đó, hai quốc gia Indonesia và Campuchia là những nhà cung cấp tín chỉ hàng đầu thông qua các dự án lâm nghiệp như REDD+.
Những khu rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn và cảnh quan nông nghiệp rộng lớn chính là tiềm năng mà khu vực vẫn chưa khai thác tối đa để thực thi tốt nhiệm vụ cô lập carbon và phát triển bền vững.
Những thị trường lớn mạnh khác như Việt Nam và Thái Lan cũng đang thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, rào cản ngăn cho mảng thị trường này tăng trưởng chính là sự phối hợp rời rạc trong khu vực cũng như hệ thống quy định không đồng nhất, rõ ràng.
Tiềm năng biến khí thải thành vàng
Theo báo cáo của công ty giải pháp cho thị trường tín chỉ carbon Abatable, Anh Quốc, mặc dù khu vực Đông Nam Á vẫn còn tồn tại những thách thức và rào cản, nhưng với tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon như hiện nay, ASEAN hoàn toàn có thể tạo ra doanh thu tích lũy lên tới 3 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Để đạt được con số đáng kể này, khu vực sẽ cần cắt giảm và loại bỏ khoảng 1,1 gigaton khí nhà kính mỗi năm.
Như đã biết, thị trường tín chỉ carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc quy đổi khí carbon tương đương ra tiền tệ nhằm mục đích khuyến khích các ngành công nghiệp cắt giảm khí nhà kính.
Tại ASEAN, thị trường tín chỉ carbon không chỉ đem tới lợi ích về môi trường thông qua việc giảm phát thải mà còn có lợi ích kinh tế đáng kể thông qua các dự án đầu tư do thúc đẩy của thị trường.
Để đạt được tiềm năng nghìn tỷ USD như ước tính, ASEAN cần đi theo 3 chiến lược chủ đạo bao gồm: bảo tồn rừng, chuyển đổi năng lượng và đầu tư năng lượng tái tạo.
Giải pháp đơn giản và ít tốn kém nhất chính là dựa vào thiên nhiên có sẵn như trồng rừng, trái trồng rừng và phục hồi rừng ngập mặn. Đây đều là những bể chứa carbon hiệu quả, mặt khác còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học.
Chuyển đổi năng lượng sẽ khó để thực hiện hơn nhưng vẫn là giải pháp tốt nhất do phần lớn khí thải nhà kính đều xuất phát từ việc con người sử dụng than đốt để sản xuất điện năng. Việc sớm đóng cửa các nhà máy điện than là việc sớm muộn ASEAN cũng phải thực hiện trong tương lai.
Cuối cùng các khoản đầu tư dành cho năng lượng tái tạo, dự án than sinh học và carbon xanh sẽ là giải pháp hỗ trợ không thể bỏ qua. Những dự án này sẽ cung cấp phương pháp bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp và biển.