Chất lượng công bố thông tin cải thiện
Nâng cao chất lượng quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty với nền kinh tế nói chung và sự phát triển, ổn định hiệu quả của thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán) đã và đang có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý, tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty theo tiêu chuẩn của OECD.
Nhiều năm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã liên tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước cải thiện chất lượng quản trị của các doanh nghiệp trên HNX nói riêng, trên thị trường chứng khoán nói chung.
Thông tin từ HNX cho thấy, năm 2023-2024, có 308 tổ chức đăng ký giao dịch là công ty đại chúng quy mô lớn đủ điều kiện để đánh giá công bố thông tin và minh bạch trên UPCoM, thuộc 11 nhóm ngành khác nhau, chiếm 75,8% tổng giá trị vốn hoá thị trường UPCoM tính đến thời điểm chốt dữ liệu, tăng 03 công ty so với kỳ trước.
Kết quả điểm đánh giá công bố thông tin và minh bạch năm 2023-2024 trung bình của các công ty là 54,74 điểm, so với trung bình kết quả đánh giá năm 2022-2023 là 43,76 điểm, tăng 10,98 điểm. Điều này cho thấy những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin và minh bạch. Theo đó, nâng mức độ đáp ứng các tiêu chí về công bố thông tin và minh bạch từ 60,78% năm 2022-2023 lên 76,02% vào năm 2023-2024.
Tỷ lệ các công ty đạt từ mức độ đáp ứng từ mức trung bình 50% trở lên (tương đương với 36 điểm trở lên) là 100% số công ty, so với năm 2022-2023 tỷ lệ các công ty có mức đáp ứng dưới 50% là 13,44%. Đồng thời, 43,5% số lượng công ty đạt dưới mức điểm 54,74 điểm.
Công bố thông tin và minh bạch đang được duy trì ở mức tốt và có sự cải thiện ở một số nội dung. Cụ thể, có khoảng 44,2% số lượng doanh nghiệp công bố thông tin của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và Ban kiểm soát trong báo cáo thường niên; 95% số lượng doanh nghiệp công bố tình hình tài chính và các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của năm tài chính 2023; 60,6% số doanh nghiệp công bố đầy đủ định hướng phát triển công ty. Các cuộc họp được tổ chức đúng quy định, tỷ lệ thực hiện đạt mức từ 96% đến hơn 99%.
Kết quả điểm đánh giá về công bố thông tin và minh bạch theo quy mô vốn năm nay cho thấy, các công ty có quy mô vốn lớn (vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên và vốn hóa từ 5.000-10.000 tỷ ) có điểm cao hơn.
Vẫn cần nỗ lực hơn từ nhiều bên
Để có được tiến bộ trong cả chất và lượng về thông tin công bố của doanh nghiệp, trong năm 2023-2024, các cơ quan quản lý đã có những biện pháp tăng cường giám sát, quản lý công bố thông tin của doanh nghiệp. Trước hết, đó là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai phương án thực hiện kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ và người liên quan với sự tham gia của các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), các công ty chứng khoán thành viên và các công ty đại chúng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, các sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, báo cáo vi phạm, ban hành quyết định xử phạt liên quan đến quy định về công bố thông tin, quản trị công ty. Do đó, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn về yêu cầu, thời hạn, chất lượng tin được công bố với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện vẫn còn bị hạn chế. Việc thiếu các báo cáo tài chính và thông tin doanh nghiệp bằng tiếng Anh là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Mặc dù đã có quy định về công bố thông tin song ngữ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm túc, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Do đó, nỗ lực từ phía cơ quan quản lý thôi là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần chủ động công bố thông tin song ngữ. Hạn chế lớn của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam là việc chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt. Điều này gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế. Theo kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán phát triển trong khu vực như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là bắt buộc và đây là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin song ngữ sẽ rất có lợi trong việc thu hút đầu tư vào doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết phải minh bạch hơn nữa trong việc công bố báo cáo tài chính. Mặc dù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam buộc phải công bố báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng chất lượng báo cáo đôi khi chưa đạt chuẩn. Một số doanh nghiệp vẫn sử dụng các thủ thuật kế toán để “làm đẹp” số liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thông tin, cũng như uy tín của doanh nghiệp với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa coi trọng việc công khai thông tin về quản trị công ty hoặc chưa giải thích rõ ràng và hợp lý về những thông tin này dẫn đến công ty mất uy tín trong mắt các nhà đầu tư.