Dù khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vươn lên.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch nước ta đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết các địa phương vẫn duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, giải trí online ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.

Về tổng thể, theo Chính phủ, năm 2021 các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát…Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” như năm 2018, 2019; một số địa chỉ được vinh danh  là “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm tham quan hàng đầu châu Á”, “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” và Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.

Những thành công có được là nhờ sự chỉ đạo thống nhất từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ vừa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vừa phân công, phân cấp, phân quyền, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Kết quả trên càng có ý nghĩa to lớn hơn khi chúng ta phòng, chống dịch trong điều kiện nhiều loại vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa hoặc không sản xuất được, phải nhập khẩu trong khi nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.

Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, với "giải pháp đủ mạnh", "thời gian đủ dài", "quy mô đủ lớn", Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách hành chính, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH bền vững hơn, với tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP... trong năm 2022.

Quán triệt Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách hỗ trợ  phát triển cần chú ý gắn trực tiếp với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và về tín dụng-tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn các chính sách tiền tệ, tài khóa, nợ công kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các xu hướng số hóa và tự động hóa; cải cách thể chế phát triển và phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và kinh tế đô thị; đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới và các mô hình kinh tế mới, mở rộng không gian kinh tế trong nước và đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, ổn định hiệu quả, an toàn; tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở  khai thác tốt vị thế đối ngoại vững chắc và điểm đến hàng đầu trong Đông - Nam Á về thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác nhu cầu nội địa. Gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị; cũng như, từ sự nỗ lực, tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua các khó khăn, thách thức của từng địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Dịch bệnh sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển.

TS. Nguyễn Minh Phong

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nam-2021-No-luc-vuot-kho-khang-dinh-ban-linh-Viet-Nam/457138.vgp